Đồng Tháp: Kinh nghiệm trong việc thực hiện mô hình nhất thể hóa
Kỳ I: Quyết liệt thực hiện
Cập nhật ngày: 04/10/2017 15:23:38
ĐTO - Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng có một ý nghĩa quan trọng, cấp thiết; thông qua tổ chức Đảng, đội ngũ đảng viên gắn liền với việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xác định chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, cơ chế vận hành của các tổ chức trong bộ máy từ cơ sở đến Trung ương, hướng đến việc thực hiện bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đồng Tháp là một trong những địa phương tiếp thu và quán triệt các vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong đó, mô hình Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (còn gọi là mô hình Nhất thể hóa) là mô hình gắn với nhiệm vụ này. Mô hình được triển khai từ năm 2009, đến tháng 8/2017 toàn tỉnh có 10/12 huyện, thị xã, thành phố thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Thanh Phong - Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND phường An Lạc (bìa phải) gặp gỡ người dân
Duy trì thực hiện
Ngày 6/3/2009, Ban Tổ chức Trung ương đã có hướng dẫn số 25-HD/BTCTW về thực hiện thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở cấp xã và địa phương không tổ chức Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện thí điểm nhằm tiếp tục nghiên cứu, xây dựng mô hình để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tạo sự đồng bộ, thống nhất, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các mặt công tác của địa phương, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Các cấp ủy đảng phải chỉ đạo chặt chẽ, đảm bảo nguyên tắc: “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị”.
Dựa trên hướng dẫn của Trung ương, năm 2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai đến thường trực huyện, thị, thành ủy, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, đồng thời chỉ đạo mỗi huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chọn ít nhất 1 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm chủ trương này. Theo đó, 16/144 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh Bí thư đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ chọn 13/119 xã, chiếm 10,92%; 1/17 phường, chiếm 5,88%, 2/8 thị trấn, chiếm 25%. Thực hiện thí điểm đòi hỏi việc bố trí đội ngũ cán bộ cần được cân nhắc, theo đó có 11 đồng chí là người tại chỗ được bố trí chức danh Bí thư đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Trong quá trình thực hiện có 1 đồng chí đang giữ chức Bí thư đảng ủy xã này được điều động và giới thiệu chức Bí thư và Chủ tịch UBND xã khác; 4 đồng chí từ phòng, ban, ngành huyện được chỉ định Bí thư và giới thiệu bầu giữ chức Chủ tịch UBND; 11 đồng chí đương chức Bí thư đảng ủy bầu giữ chức Chủ tịch UBND cấp xã; 5 đồng chí đương chức Chủ tịch UBND cấp xã, bầu giữ chức Bí thư đảng ủy.
Sau 1 năm thực hiện, đến năm 2011, việc thí điểm được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục thực hiện, tuy nhiên có 1 địa phương không thực hiện thí điểm do có sự thay đổi về nhân sự. Từ đó đến nay, mô hình vẫn được duy trì, đến tháng 8/2017 toàn tỉnh có 10/12 huyện, thị xã, thành phố thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã, có 2 huyện dự kiến thực hiện trong tháng 10/2017 là huyện Tháp Mười, Lấp Vò. Quá trình vận dụng mô hình tại cơ sở cơ bản thuận lợi, tuy nhiên vẫn gặp một số khó khăn như việc thực hiện lúng túng đối với xã, phường, thị trấn có 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND; áp lực công việc nhiều, mất thời gian trong việc giải quyết công việc đột xuất, thời gian dự họp cấp huyện, thị xã, thành phố nhiều; chế độ phụ cấp hiện hành chưa tương xứng với chức trách, nhiệm vụ được giao và sức cống hiến nên chưa tạo “sức bật” đối với cán bộ...
Chọn cán bộ: Yếu tố cốt lõi
Mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã đi vào trọng tâm công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành công tác địa phương, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Chính vì vậy, công tác cán bộ được xem là một yếu tố cốt lõi, bởi lẽ nếu cán bộ yếu kém năng lực sẽ ảnh hưởng đến công tác điều hành; cán bộ giỏi công tác đảng yếu kém về quản lý nhà nước dễ dẫn đến việc nói không đi đôi với làm; cán bộ chuyên quyền độc đoán bỏ qua ý kiến tập thể dẫn đến việc lạm dụng quyền lực trong việc thực hiện nhất thể hóa hai chức danh... Do đó, việc chọn cán bộ đảm nhiệm mô hình thí điểm được cấp ủy hết sức cân nhắc.
Đồng chí Nguyễn Việt Thống -Trưởng Phòng Tổ chức Đảng, Đảng viên Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: “Khoảng 10 năm nay, Đồng Tháp đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện mô hình, có văn bản, báo cáo, thí điểm. Mô hình gián đoạn 1 thời gian, sau đó có đánh giá cán bộ gắn với luân chuyển, đào tạo, phân công thực hiện tại các địa phương. Mô hình đòi hỏi người đứng đầu phải có năng lực, có tâm, có tầm, tuân thủ quy chế. Nếu không chọn được cán bộ giỏi, có năng lực dễ dẫn đến việc bao biện, làm thay, buông lỏng lãnh đạo. Hiện nay, mô hình vận hành rất tốt tại Đồng Tháp; tỉnh quyết tâm thực hiện...”.
Về cơ bản, tỉnh Đồng Tháp đã có sự chuẩn bị tốt về công tác bố trí cán bộ; các đồng chí đảm nhiệm công tác trên đều có trình độ đại học, trung cấp; cử nhân, cao cấp, trung cấp lý luận chính trị. Những đồng chí đảm nhiệm công việc Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND phải đảm bảo tiêu chuẩn cán bộ theo Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII) phải có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, kinh nghiệm về công tác Đảng, công tác chính quyền để hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của Bí thư và Chủ tịch UBND; có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và tính Đảng cao, có tác phong làm việc dân chủ, sâu sát, nói đi đôi với làm; có sức khỏe, uy tín trong cán bộ, đảng viên, nhân dân địa phương; trình độ đại học về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị trung cấp, cao cấp trở lên...
Việc chọn lựa cán bộ tham gia thực hiện chức danh nhất thể hóa ở địa phương cũng được đặc biệt lưu ý. Bà Lê Thị Phi Yến - Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Châu Thành - một trong những địa bàn chọn mô hình này cho biết: “Trước đây, huyện đã thí điểm thực hiện tại thị trấn Cái Tàu Hạ, xã An Hiệp, một thời gian ngắn áp dụng tại xã Tân Phú, tạm gián đoạn; tiếp sang nhiệm kỳ 2015-2020. Huyện rà soát đội ngũ cán bộ, chọn đơn vị thực hiện. Chúng tôi vẫn theo nguyên tắc chọn những cán bộ có năng lực, đủ chuẩn, kinh qua nhiều công việc lãnh, chỉ đạo, điều hành, có chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị. Ngoài ra, lãnh đạo được chọn phải có kỹ năng, bản lĩnh, một chút “kỹ xảo” trong công tác quản lý, lãnh đạo...”.
Trong số 10/12 huyện, thị xã, thành phố thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND, việc tuyển chọn cán bộ đủ chuẩn, có lộ trình, đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa theo quy định, trong đó xem xét về trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức, việc thực hiện các chức danh, nhiệm vụ được giao, mỗi năm điều có các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức công tác Đảng, công tác quản lý điều hành. Công tác kiểm tra, hướng dẫn cán bộ thực hiện nhiệm vụ nhất thể hóa được Ban tổ chức tỉnh ủy, huyện, thị, thành ủy quan tâm. Cùng lúc thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi bản thân đồng chí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND tuân thủ nguyên tắc “tập trung, dân chủ”. Nếu Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể buông lỏng kiểm tra, giám sát; bộ máy, đội ngũ cán bộ giúp việc hoạt động không hiệu quả dễ dẫn đến tình trạng chuyên quyền, sai sót trong quá trình ra quyết định.
Đồng chí Nguyễn Việt Khôi - Trưởng Ban tổ chức Thị ủy Hồng Ngự cho biết: “Đây là mô hình thí điểm, công tác tuyển chọn cán bộ đảm nhiệm có vai trò quan trọng, chính vì vậy, đối với phường có thí điểm mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã, chúng tôi kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện thường xuyên. Đồng thời hỗ trợ địa phương xây dựng hoàn thiện quy chế thực hiện cho phù hợp với đặc điểm của địa phương. Chính vì vậy, đến thời điểm này, công tác cán bộ, việc vận hành mô hình vẫn đảm bảo tốt, hiệu quả; một số chỉ tiêu phát triển kinh tế như tăng thu nhập, giảm nghèo, công tác xây dựng Đảng, người dân đồng thuận; ra Nghị quyết, đưa ra chương trình Nghị quyết, đồng thời chỉ đạo thực hiện ngay. Do cán bộ lãnh đạo nắm được các phần việc; nắm được cán bộ bên Đảng, chính quyền chỉ đạo kịp thời...”.
(Còn tiếp)
C.Phương