Lan tỏa phong trào “Dân vận khéo” Đất Sen hồng

Cập nhật ngày: 24/01/2020 05:52:40

ĐTO - Nhiều năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hưởng ứng thực hiện. Sự ra đời của nhiều mô hình mới, cách làm hay trong hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội đã góp phần khẳng định hiệu quả, sức sống mới của phong trào “Dân vận khéo” đang phát triển rộng khắp và ngày càng đi vào chiều sâu.


Ra mắt Mỹ Điền Hội quán - Hội quán thứ 83 của tỉnh Đồng Tháp

Từ năm 2009 đến nay, các cấp chính quyền trong tỉnh có sự chuyển biến tích cực về nhận thức vai trò của công tác dân vận, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân hưởng ứng thực hiện phong trào “Dân vận khéo” được chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường thực hiện.

Nội dung, phương thức tuyên truyền được thường xuyên đổi mới, thông qua các hội nghị nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến, duy trì phát sóng các chuyên mục “Dân vận và đời sống” (nay là chương trình “Dân vận khéo”); Ban Dân vận Tỉnh ủy phát động Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017 - 2020 thu hút hàng trăm bài viết do các đơn vị, cá nhân trong tỉnh tham gia dự thi... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về vai trò, tầm quan trọng của phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện phong trào “Dân vận khéo” được quan tâm thực hiện thường xuyên. Từ việc sâu sát cơ sở nhằm kịp thời lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của từng tổ chức gắn với thực hiện phong trào “Dân vận khéo” đi vào nề nếp; nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến kịp thời được phát hiện, biểu dương, khen thưởng, tạo sức ảnh hưởng tích cực trong xã hội.

Nhờ phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, phong trào “Dân vận khéo” thực sự đi vào đời sống của quần chúng nhân dân, phủ sóng và in dấu ấn trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đề án lớn của tỉnh và địa phương. Cụ thể, tỉnh Đồng Tháp hiện là tỉnh đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long về số lượng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Tính đến tháng 11/2019, có 1.650 lao động xuất cảnh làm việc chủ yếu tại thị trường Nhật Bản, Ba Lan, Hàn Quốc, đạt 165% so với kế hoạch đề ra. Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới có sự chuyển biến tích cực, toàn tỉnh có 55/118 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ có thêm 12 xã đạt chuẩn. TP.Sa Đéc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, riêng TP.Cao Lãnh và TX.Hồng Ngự đang làm hồ sơ đề nghị xét công nhận.


Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước hỗ trợ người nghèo ở vùng biên thông qua mô hình “Hủ gạo tình thương”

Nổi bật trong các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phải kể đến sức sống mạnh mẽ từ mô hình “Hội quán”. Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhân rộng mô hình “Hội quán” trong toàn tỉnh. Tính đến tháng 11/2019, tỉnh Đồng Tháp có 85 Hội quán được thành lập với hơn 4.200 thành viên tham gia; có 17 hợp tác xã được thành lập trên nền Hội quán. Riêng mô hình “Hộ gia đình thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới” đang được nhân rộng ở 118 xã trên địa bàn tỉnh. Các mô hình “Dân vận khéo” trong lực lượng vũ trang tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả như: mô hình “Tổ tự quản đường biên cột mốc”, “Hủ gạo tình thương”, “Nâng bước em đến trường”, “Xóm đạo bình yên”; “Camera an ninh”, “Tết Quân - Dân”... được các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang trong tỉnh hưởng ứng tích cực; chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã đóng góp trên 105 tỷ đồng thực hiện các công trình, phần việc tại cộng đồng dân cư, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, phong trào “Dân vận khéo” còn tạo nhiều điểm nhấn rõ nét trong cải cách thủ tục hành chính, góp phần xây dựng tác phong, đổi mới lề lối làm việc trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Các mô hình “Cà phê doanh nhân - doanh nghiệp”; “Cà phê đầu tuần”, “6 biết”... đang được UBND tỉnh chỉ đạo nhân rộng ở các ngành, các cấp trong tỉnh. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã và đang tạo được hiệu ứng tích cực huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia. Nhiều gương điển hình “Dân vận khéo” trở thành điểm sáng trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, khẳng định được vai trò quan trọng của công tác dân vận, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” nhận được sự đồng thuận cao của người dân, góp phần phát huy tinh thần đoàn kết, tính tự nguyện, tự chủ, tự quản, hình thành niềm tin cho người nông dân thông qua việc phát huy dân chủ, tạo động lực để người dân tự quyết định hợp tác và cùng phát triển.


Khen thưởng tập thể, cá nhân làm tốt công tác vận động hộ gia đình chung sức xây dựng nông thôn mới

Để tiếp tục lan tỏa phong trào “Dân vận khéo”, thời gian tới, Ban Dân vận sẽ tập trung thực hiện các giải pháp duy trì, nâng chất lượng các mô hình, phong trào thi đua “Dân vận khéo” hiện có của các đơn vị, địa phương. Chú trọng xây dựng, phát triển mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở những nơi khó khăn, vùng đồng bào có đông tín đồ tôn giáo; làm tốt hơn nữa công tác phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác dân vận. Đồng thời xác định nội dung trọng tâm của phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong thời gian tới là bám sát nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền cùng cấp và các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, địa phương gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị.

Ngân Nguyễn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn