Một cách nhìn về sự suy thoái tư tưởng chính trị

Cập nhật ngày: 06/04/2017 07:34:28

Đã có nhiều bài viết về sự suy thoái tư tưởng chính trị. Sau khi có Nghị quyết số 04- NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, một làn sóng bàn luận về chủ đề này được dâng cao. Nhiều góc nhìn về hiện tượng suy thoái chính trị được phân tích. Bài viết này góp nhặt thêm tiếng nói chung ấy nhưng dưới cách hiểu khác.

Suy thoái là sự suy yếu và sút kém dần. Theo đó, suy thoái tư tưởng chính trị là sự suy giảm của tư tưởng đối với các vấn đề chính trị - xã hội. Theo cách hiểu này, suy thoái là một trạng thái đã có và đủ một lượng nhất định nào đó rồi bị mất dần. Một điểm tương tự trong y học, thoái hóa được chỉ một yếu tố nào đó không còn tốt như cũ nữa. Nếu thống nhất với quan niệm này, vấn đề suy thoái tư tưởng chính trị có thể được luận giải dưới giác độ khác so với cách nêu hiện hành.

Tất cả những ai có nghiên cứu Nghị quyết đều nhớ 27 điểm biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong đó có 9 nội dung về tư tưởng chính trị. 3 trong 9 điểm ấy thuộc về nhận thức chính trị như: (1) Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. (2) Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái. (3) Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hầu hết các nghiên cứu, dư luận trong Đảng và xã hội đều cho rằng Trung ương Đảng đã đánh giá đúng tình hình của Đảng và thẳng thắn chỉ ra cụ thể, có hệ thống những vấn đề gây nhức nhối trong Đảng, làm mất niềm tin của nhân dân. Tuy nhiên, 3 điểm được liệt kê bên trên cũng như 26 điểm của cả 3 nội dung Nghị quyết chưa thật sự nêu được tính bản chất của vấn đề. Có thể nhận thấy, cá nhân đảng viên và tổ chức đảng sẽ khó soi rọi vào đó để “tự phê” cá nhân và tổ chức của mình bị vi phạm. Ở đây, cần làm rõ thêm một số điểm sau:

1. Công nhận cái điều chưa có

Như phần đầu bàn luận về “suy thoái”, người ta sẽ thấy rất nhiều đảng viên chưa có cái ngưỡng để mà suy thoái. Nói cách khác và đầy đủ hơn, những đảng viên ấy đâu có đầy đủ lý tưởng cách mạng mà phai nhạt, chưa thấu hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin thì làm gì giảm sút, nông cạn trong nhận thức thì làm sao mà thấy được tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị... Có thể liệt kê nhiều điểm khác của 27 nội dung suy thoái, “tự diễn biến” tương tự như vậy. Cách hiểu nôm na là, người ta không có thì có gì để mất, để giảm. Dẫn chứng khác để dễ hình dung, do quy định về tiêu chuẩn công chức, tất cả những người công tác trong hệ thống chính trị đều có chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh trình độ A trở lên trong khi thực tế nhiều người không nói được một câu hoàn chỉnh. Lênin có nói đại ý là: Người ta chỉ trở thành người cộng sản chân chính khi biết làm giàu tất cả kho tàng tri thức mà loài người để lại. Không có “tài sản” ấy làm sao trở nên người cộng sản chân chính và như vậy suy giảm từ cái gì.

2. Giá trị của vấn đề để người ta tìm đến

Những ai có liên quan đến công tác đào tạo lý luận chính trị sẽ dễ đồng tình với nhận định về hiện trạng“lười học tập...”. Thực trạng này gợi nhớ hình ảnh trái chiều của quãng lịch sử về những người yêu nước phải vượt đường xa và sự hiểm nguy mọi phía để học lý luận, tìm ra chân lý, ngay cả trong nhà tù cũng trở thành trường học. Nhưng vì sao đến “nỗi đoạn trường” được phê phán bên trên. Lấy câu: “Tiên trách kỹ, hậu trách nhân” để suy ra thì phải chăng lý luận chính trị chưa trở thành giá trị, thành phương tiện cần thiết cho những người dùng nó. Đây có thể là nguyên nhân chính. Sau nhiều năm làm “ánh sáng dẫn đường”, lý luận khoa học đã bị các nhà chính trị đầy tham vọng biến nó thành công cụ cho sự chiếm đoạt quyền lực. Một học thuyết “hoàn bị” đã bị cắt xén, sự khoa học trở nên ngược lại với chính nó. Với thái độ thẳng thắn, người ta không từ chối, xa lánh nó mới là lạ.

Từ những nhận thức đối với “thực trạng” ấy, phải chăng điều cần phải làm là:

Một, vấn đề đặt ra chính là bồi đắp.

Phải xây dựng được cái nền vững chắc về tư tưởng chính trị. Công việc này không chỉ một lớp học, một bậc học mà phải là toàn bộ quá trình từ thấp lên cao. Khởi điểm từ abc về học làm người ở gia đình và các bậc phổ thông cấp thấp, kế đến học làm công dân, tiếp theo học làm công chức và sau cùng học làm lãnh đạo. Lãnh đạo là nhóm tinh hoa của xã hội. Họ đã trải qua trui rèn, thử thách, được tổ chức và xã hội sàng lọc, chấp nhận. Họ có những năng lực và phẩm chất đặc biệt riêng có. Chỉ có một nhóm ít người mới đáp ứng tiêu chuẩn ấy. Và như vậy, không thể lấy chuẩn của họ áp đặt cho số đông còn lại. Sự áp đặt như vậy là khập khễnh và chỉ gây xáo động xã hội. Điều cần phải làm là lượng hóa được các bậc thang của các nhóm đảng viên và yêu cầu họ phải đáp ứng được chuẩn lý luận chính trị của vị trí mà họ đang và sẽ làm việc. Trên cơ sở đó, họ phải thông qua các lớp học chính trị từ thấp đến cao được thiết kế có kế thừa các bậc học dưới với cách thức đào tạo nền nếp, bài bản để người học có được nền móng kiến thức thật vững chắc đúng với mục đích đào tạo: “làm việc, làm người, làm cán bộ”.

Hai, trả lại giá trị đích thực của lý luận chính trị.

Cần khảo cứu nghiêm túc về học thuyết được chọn làm nền tảng tư tưởng và trên cơ sở soi rọi những lý thuyết hiện đại cùng với xu hướng của thực tiễn mà chắt lọc thành những “cẩm nang”, thành những tài liệu “gối đầu giường” cho những người trong tổ chức và xã hội. Dĩ nhiên, phải thiết kế sao cho phù hợp với từng nhóm đối tượng làm cho họ thấy nó là “cái cần thiết cho chúng ta”. Ngoài ra, sự chuyển tải của nó phải tính đến sự đồng bộ về người và phương tiện tương thích với thời đại.

Ba, loại bỏ hoàn toàn cách dạy và học khoa cử.

Chấn chỉnh và đi đến chấm dứt từ trong quan niệm đến cách thức dạy và học lý luận chính trị theo hình thức khoa cử, lý thuyết và lấy bằng cấp làm căn cứ. Nói ngược lại, bằng cấp lý luận chính trị phải trở thành danh giá đối với người học và được xã hội kính trọng.

Khoa học là tiệm cận cái chân lý, cái đúng. Chỉ ra đúng vấn đề mới có giải pháp khắc phục hoặc phát triển sự vật. “Gãi không đúng chỗ ngứa”, phát hiện không đúng bệnh sẽ không có phương thuốc tốt. Vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị phải được xem xét lại ở chỗ sự thiếu hụt và điều quan trọng nhất là thiếu nền tư tưởng chính trị để từ đó nở hoa dân chủ, công bằng, văn minh.

DÂN BIỆN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn