Một tà đạo cần loại bỏ khỏi đời sống

Cập nhật ngày: 01/05/2018 14:34:15

Thời gian gần đây, hoạt động bất thường của cái gọi là "Hội thánh Ðức Chúa Trời" tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang khiến dư luận hết sức lo ngại. Vì thế, trong khi tôn trọng, bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, chúng ta cần phải ngăn chặn, xử lý nghiêm hoạt động lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Hội thánh Ðức Chúa Trời" (HTÐCT), hoặc "Hội thánh của Ðức Chúa Trời", là phong trào tôn giáo xuất hiện ở Hàn Quốc do Ahn Sahng Hong (An Xang Hông) lập ra năm 1964, với tên gọi ban đầu là "World Mission Society Church of God" (Hiệp hội truyền giáo Tin Lành thế giới). Năm 1985, Kim Joo-cheol (Kim Du-chơn) và Jang Gil-ja (Giang Ghin-da) tiếp tục phát triển tổ chức này, lấy tên chính thức là HTÐCT. Ðiều đáng nói là quan điểm của HTÐCT hoàn toàn đi ngược lại với Cơ đốc giáo truyền thống như: coi Ahn Sahng Hong là "Ðức Chúa Trời cha", Jang Gil-ja là "Ðức Chúa Trời mẹ", cho rằng Ðức Chúa Trời đã tái sinh vào hai người này với "sứ mệnh cao cả" là đến thế gian để khôi phục "lẽ thật" của hội thánh sơ khai, cho rằng những chỉ trích của người khác là sự bức hại mà họ phải chịu đựng vì "tin vào Jesus (Giê-xu) trong xác thịt người thường". Giáo lý của tổ chức này chứa đựng các nội dung mang tính chất tà giáo, không đúng với Kinh thánh truyền thống của Cơ đốc giáo, đã bị cả Tin lành chính thống và Hội thánh Công giáo phản ứng, chỉ trích kịch liệt.

Năm 2012 tại Hàn Quốc, Hội đồng quốc gia các Giáo hội chính thức lên án, cấm mọi hoạt động của phong trào này, cho rằng đây là "phong trào phạm thượng". Không chỉ ở Hàn Quốc, tại nhiều quốc gia khác, việc phản đối, tẩy chay HTÐCT không ngừng lan rộng. Tòa thánh Roma (Rô-ma) đã ra nhiều văn thư lên án các sai lạc trong giải thích Kinh Thánh của HTÐCT, coi đây là một "lạc giáo". Tuy nhiên, bất chấp sự ngăn chặn, cảnh báo từ các tổ chức tôn giáo chính thống, với nhiều cách thức và thủ đoạn khác nhau, HTÐCT vẫn không ngừng len lỏi vào đời sống xã hội nhằm mở rộng ảnh hưởng và lôi kéo thành viên.

Ðến nay, HTÐCT đã vươn "vòi bạch tuộc" đến 175 quốc gia trên thế giới, tập hợp được hơn hai triệu thành viên, tập trung trong 1.200 hội thánh (chỉ riêng Hàn Quốc có tới 400 hội thánh). Tại Mỹ, hoạt động của HTÐCT đã gây nhiều bất ổn trong đời sống xã hội. Không ít người sau khi thoát khỏi sự kiểm soát của HTÐCT cho biết sẽ khởi kiện tổ chức này vì đã sử dụng thuật thôi miên để khống chế thành viên, ngăn cản họ tố giác các hành vi vi phạm pháp luật của HTÐCT, đưa ra luận điệu ngày tận thế sẽ đến, nếu giữ tiền cũng không còn giá trị để tận thu tiền bạc của thành viên.

Theo đánh giá của R.Ross (R.Rốt), chuyên gia nghiên cứu về các nhóm cuồng tín, thì HTÐCT mang đầy đủ đặc điểm của nhóm cuồng giáo và đang thống trị cuộc sống của thành viên để họ phải làm theo sự điều khiển của tổ chức này.

Năm 2001, HTÐCT bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, qua một số "giáo sĩ" người Hàn Quốc của tổ chức này tới Việt Nam làm việc, và một số người Việt Nam xuất khẩu lao động, học tập từ Hàn Quốc trở về. Ðáng chú ý, thời gian gần đây, hoạt động của HTÐCT cho thấy những dấu hiệu rất bất thường. Dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tính hợp pháp, nhưng "chân rết" của HTÐCT vẫn không ngừng mở rộng hoạt động trên khắp cả nước, thậm chí len lỏi vào vùng sâu, vùng xa.

Ước tính HTÐCT đã xuất hiện tại 20 tỉnh, thành phố, với số thành viên lên đến hơn 2.300 người. Khác với các tôn giáo chính thống, đã được Nhà nước công nhận, cái gọi là giáo lý của HTÐCT có nội dung mang tính chất tà giáo, nặng về mê tín dị đoan, hoàn toàn xa lạ và đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức, phong tục tập quán của người Việt Nam. Cụ thể: HTÐCT tuyên truyền về ngày tận thế, lừa mị về "sự cứu rỗi của đấng linh thiêng", cho rằng cha mẹ chỉ là "công cụ do Chúa Trời tạo ra" để họ phải gánh chịu tội lỗi ở thế giới trần tục. HTÐCT yêu cầu người tham gia phải đập bỏ bàn thờ, không được thờ cúng, thắp hương tổ tiên; gọi bố mẹ đẻ là anh chị vì cho rằng chỉ có Ðức Chúa Trời mới là cha mẹ của cả nhân loại; kiêng tắm rửa; không được quan hệ vợ chồng...

Tổ chức hoạt động của HTÐCT đang được phân cấp quản lý theo nhóm, mỗi nhóm có khoảng 30 thành viên và được gọi là một "sion". Trụ sở của "sion" thường là nhà của một thành viên trong nhóm. Người tự nhận là "nhà truyền giáo" của HTÐCT thường tiếp cận phụ nữ, người già, học sinh, sinh viên, những người có hoàn cảnh khó khăn như đang bị nợ nần, bệnh tật, bế tắc trong cuộc sống, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về tôn giáo hoặc hoàn cảnh riêng của họ để có những tác động về tâm lý, gieo rắc luận điệu rằng cứ tham gia HTÐCT sẽ có tương lai tốt đẹp, không ốm đau bệnh tật, được hưởng cuộc sống giàu sang, phú quý... nhằm lôi kéo họ đi theo tổ chức tà đạo này.

HTÐCT còn lợi dụng danh nghĩa mở các văn phòng công ty buôn bán hàng đa cấp..., thậm chí tổ chức các hoạt động từ thiện trá hình để tuyên truyền, tuyển mộ thành viên. Ở Việt Nam, không ít người sau khi gia nhập HTÐCT đã bỏ vợ, bỏ chồng, khước từ cha mẹ, chối bỏ trách nhiệm nuôi dạy con cái; công chức bỏ công việc, sinh viên bỏ học, chỉ mong sớm được về "nước Chúa" của HTÐCT.

Ðáng chú ý, nhiều đối tượng trong tổ chức tà đạo này đã lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, dùng những thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm để lôi kéo người tham gia, trục lợi cá nhân. Mặc dù tuyên truyền thành viên không phải đóng hội phí song trên thực tế, HTÐCT kêu gọi thành viên đóng lệ phí từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng cho mỗi buổi truyền đạo, kêu gọi người đang đi làm tự nguyện đóng góp 10% thu nhập để sớm giành được vé về "nước thiên đàng", rao giảng ai giới thiệu được càng nhiều người tham gia thì càng được Chúa Trời ưu tiên, đón nhận sớm. Thậm chí có thông tin cho biết thành viên HTÐCT lôi kéo thành viên mới cũng được trả tiền. Ðặc biệt, muốn trở thành "con của Chúa", người tham gia phải uống một thứ nước mầu đỏ và ăn một miếng bánh được cho là "máu và thịt của Chúa", song sau khi uống thứ "nước thánh" này, một số người đã phải vào bệnh viện để cấp cứu vì có biểu hiện bất thường về tâm, sinh lý. Qua trực tiếp cấp cứu những người như vậy, các bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, thứ nước mầu đỏ mà nạn nhân đã uống có thể là một dạng thuốc hướng thần, khiến thần kinh bị tê liệt và làm theo điều người khác sai khiến…

Các biểu hiện bất thường và hậu quả nguy hại từ hoạt động của HTÐCT đã cho thấy tổ chức tà đạo này không chỉ hoạt động trái pháp luật, tổ chức tụ tập đông người, truyền đạo trái phép làm mất an ninh, trật tự tại một số địa phương, mà còn gây hoang mang trong dư luận, phá hoại nền nếp, kỷ cương, đạo đức, gieo rắc nỗi sợ hãi trong cộng đồng, khuyến khích hành vi vô đạo, trực tiếp xâm hại hạnh phúc gia đình, phủ nhận mọi động lực phát triển xã hội,… Nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chắc chắn hậu họa HTÐCT gây ra cho xã hội sẽ rất khó lường, nhất là khi có một số đối tượng tội phạm, nghiện hút, cờ bạc lại trở thành "thủ lĩnh" trong HTÐCT…

Hoạt động của HTÐCT tại một số địa phương vừa qua cho thấy tổ chức bất hợp pháp này đã vi phạm nghiêm trọng các điều cấm quy định tại Ðiều 5 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) với các nội dung như: ép buộc, mua chuộc người khác; xâm phạm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi…

Thực tế, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Xác định tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của nhân dân, Ðảng, Nhà nước ta luôn tạo điều kiện để người theo các tín ngưỡng, tôn giáo đã được pháp luật công nhận thuận lợi hành đạo. Quan điểm này đã thể hiện rất rõ tại Ðiều 24 Hiến pháp năm 2013: "1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật". Chỉ tính riêng trong 15 năm trở lại đây, số lượng tín đồ tôn giáo ở Việt Nam đã tăng khoảng 33%. Tuy nhiên, Nhà nước ta cũng nghiêm cấm các hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội; xâm phạm sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác theo quy định của pháp luật. Những năm qua, quá trình hội nhập đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, và cùng với hội nhập là sự giao thoa, du nhập một số trào lưu văn hóa, tôn giáo từ nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên đã xuất hiện một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách mở cửa và lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để du nhập một số xu hướng, trào lưu tôn giáo lệch lạc, phản văn hóa, gây bất ổn xã hội. Và đó là hiện tượng sớm phải ngăn chặn.

Về cơ bản, các tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đều hướng con người tới suy nghĩ và hành động lương thiện; tôn trọng phong tục, tập quán bản địa khi truyền bá; có ý thức xây dựng cộng đồng xã hội yên bình, phát triển. Tuy nhiên, từ sự việc HTÐCT cũng cho thấy xã hội và người dân cần hết sức tỉnh táo trước các tổ chức, hội nhóm mượn danh tôn giáo để truyền bá tà đạo, ép buộc người theo có hành vi trái thuần phong mỹ tục, đi ngược truyền thống văn hóa dân tộc. Ðây cũng là sự cảnh báo sâu sắc về tình trạng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự xã hội, phá hoại hạnh phúc gia đình… Trước biểu hiện phức tạp của HTÐCT, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng cho biết: "Các biểu hiện cực đoan mà báo chí phản ánh xảy ra ở TP.Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên,... liên quan đến tổ chức mang tên HTÐCT cần được kiểm chứng và phân biệt với các nhóm Tin Lành khác có tên gọi tương tự, tránh đánh đồng với các tổ chức Tin Lành nói chung". Ðồng thời Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố để nắm bắt tình hình, tăng cường tuyên truyền trong nhân dân, đấu tranh và xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi cá nhân cần đề cao cảnh giác, thực hiện lối sống lành mạnh, tuân thủ pháp luật, tỉnh táo trước những thủ đoạn lôi kéo của tà đạo để không gửi gắm niềm tin vào chốn hư vô,… rồi tự đẩy mình tới hành vi tiêu cực, đi ngược lợi ích chính đáng của bản thân và lợi ích cộng đồng. Chỉ có như vậy, các loại tà đạo, dị giáo mới không thể phá hoại, không có chỗ để tồn tại trong cuộc sống.

THÀNH SƠN (NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn