Nhớ Bác Hồ trong ngày vui đại thắng
Cập nhật ngày: 30/04/2018 06:43:39
Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày 30/4, mỗi người dân Việt Nam lại tự hào nhớ về sự lãnh đạo tài ba, lỗi lạc của Bác Hồ - người đã đưa đất nước ta đi đến bờ vinh quang trọn vẹn của sự nghiệp đấu tranh vĩ đại và thiêng liêng: Thống nhất giang sơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969)
Để có ngày 30/4/1975, khi 21 tuổi, Bác Hồ một mình đã phải bôn ba khắp chân trời, góc bể suốt 30 năm ròng chịu cảnh tù đày, lao động cực nhọc để kiếm sống, nhằm mục đích cuối cùng tìm đường cứu nguy cho dân tộc, đất nước khi bị mất độc lập, tự do, quyền sống, quyền làm người.
Nhờ có ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911), chúng ta mới có những ngày lịch sử vinh quang, vĩ đại: ngày 3/2/1930, Bác sáng lập ra Đảng để gánh vác nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đất nước; ngày 2/9/1945, Bác sáng lập ra Nhà nước của nhân dân; ngày 7/5/1954, giải phóng miền Bắc, chuẩn bị cho thống nhất đất nước; ngày 30/4/1975, non sông Việt Nam thu về một mối, cả nước chung sức, chung lòng xây dựng Việt Nam đàng hoàng, to đẹp mà cả đời Bác Hồ đã chăm chút lo toan.
Sự kiện này, như nhà sử học Italia Pêrugia nói rất đúng “Không có Người, lịch sử có thể đã đi theo một con đường khác; lịch sử đã đặt Người vào đúng chỗ của mình, trong quá trình đó, Người là một nhân vật sáng tạo, quyết định”.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Quốc dân Việt Nam, quyền Chủ tịch nước thay Bác năm 1946, khi Bác sang thăm Pháp, đã ca ngợi:
“Hồ Chí Minh tiên sinh, Người yêu mến của chúng ta,
Bậc chí sĩ chân chính yêu nước,
Nhà cách mạng lão luyện chuyên gia
Chân du lịch khắp cả toàn cầu
Tầm con mắt trông cao tột bậc
Nhận rõ đại cuộc, xét thấu thiên cơ”
Bác Hồ đã lãnh đạo cuộc kháng chiến của dân tộc ta để có ngày 30/4/1975, bằng cả sự chăm lo: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu cực, chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Vì vậy, Bác đã cùng Đảng vạch đường, chỉ lối cho cuộc chống Mỹ cứu nước qua những bước tập dượt:
Trước hết là cuộc Đồng khởi miền Nam, mà trước tiên là từ tỉnh Bến Tre và lan rộng nhanh chóng khắp Nam bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung Trung bộ. Trong cao trào đồng khởi, các lực lượng vũ trang nhân dân ta ở miền Nam phát triển nhanh chóng. Các huyện có tiểu đội, trung đội và đại đội chiến đấu. Các tỉnh, khu có bộ đội địa phương và xây dựng cả lực lượng chủ lực. Tháng 5/1959, đoàn 559 được thành lập với nhiệm vụ mở đường dọc Trường Sơn bảo đảm cho các đoàn cán bộ từ miền Bắc vào miền Nam chiến đấu. Ngày 31/12/1967, tại một căn phòng trong khu ở và làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch, Bác đã chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và quyết định mở cuộc tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân 1968, nhằm giáng đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.
Công tác được chuẩn bị được tiến hành rất chu đáo, công phu, tỉ mỉ và hoàn toàn bí mật. Đêm 30 rạng 31/1/1968, quân dân miền Nam nhất tề tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở 64 thành phố, thị xã và nhiều vùng nông thôn rộng lớn, tiến công hàng loạt căn cứ quân sự, các sân bay, kho tàng, bến cảng, hệ thống giao thông, đánh trúng vào sào huyệt cơ quan đầu não quan trọng của Mỹ, ngụy và chư hầu. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là đòn sét đánh làm cho hơn 1 triệu 20 vạn quân Mỹ, ngụy và chư hầu trở tay không kịp, kinh hoàng, lúng túng. Đó là đòn quyết định giáng vào chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ, mở ra một cục diện mới, buộc đế quốc Mỹ phải thương lượng với ta ở Hội nghị Paris. Thắng lợi đó, như Bác Hồ đã có thơ chúc tết năm 1968:
“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà.
Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta”
Đó là bước tập dượt thứ hai cho thắng lợi trọn vẹn 30/4/1975.
Để thực hiện sự chỉ đạo chiến lược của Bác “đánh cho Mỹ cút”, chúng ta đã thực hiện cuộc tập dượt thứ ba - cuộc Tổng tiến công chiến lược 1972. Cuộc tổng tiến công được thực hiện trên ba hướng chiến lược Trị Thiên - Tây Nguyên - Đông Nam bộ, trong đó Trị Thiên là quan trọng nhất. Cuộc tiến công chiến lược 1972, ta thu được thắng lợi lớn làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng giữa ta và địch, có lợi cho ta làm chuyển biến hẳn cục diện chiến tranh để quân và dân ta tiến lên giành thắng lợi to lớn mới. Bị thua đau ở miền Nam, đế quốc Mỹ đưa máy bay B52 ra đánh phá miền Bắc với dã tâm hòng đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Nhân dân ta lập chiến công “Điện Biên Phủ trên không”, đêm đầu tiên ta bắn rơi 3 chiếc, 12 ngày đêm ta hạ 81 máy bay các loại, trong đó có 33 máy bay B52, đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 đối với miền Bắc và buộc Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Đó là những bước tập dượt, những đòn chiến công chiến lược để đi đến cuộc Tổng chiến dịch Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, thực hiện được trọn vẹn mong muốn của Bác Hồ.
“Bao giờ Nam - Bắc một nhà,
Việt Nam đại thắng chúng ta vui mừng”
Bằng cả kinh nghiệm sống của Bác tích lũy lại, và sự nhạy cảm của Bác đối với quá trình diễn biến của tình hình, nhất là trong những biến cố lớn của lịch sử qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tạo ra cho dân tộc sự kiên định vững vàng và niềm tin sắt đá trên con đường đi tới thắng lợi, Bác đã khẳng định Mỹ thua khi nào? Trong một bản thảo chuẩn bị cho lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1960, Bác viết: “Trong lúc chúc mừng ngày Quốc khánh vĩ đại lần thứ 15, chúng ta càng nhớ đến đồng bào ta ở miền Nam đang anh dũng đấu tranh chống chế độ tàn bạo của Mỹ, Diệm. Chúng ta xin gửi đến đồng bào miền Nam mối tình ruột thịt và xin hứa với đồng bào rằng: toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh thì chậm lắm là 15 năm nữa Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Vậy là, Bác Hồ đã biết từ 15 năm trước: năm 1975 sẽ thống nhất nước nhà. Kỷ niệm 43 năm ngày thống nhất giang sơn, mỗi người chúng ta càng nhớ Bác Hồ nhiều. Càng nhớ Bác chúng ta càng cố gắng để xây dựng và giữ gìn Tổ quốc ngày càng vững mạnh, sánh vai các cường quốc năm châu như Bác hằng mong muốn.
TS TRẦN VIẾT HOÀN
(Nguyên Giám đốc Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch)/SGGPO