Nâng cao hiệu quả giám sát của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Đồng Tháp
Cập nhật ngày: 25/04/2018 11:29:04
Hiến pháp năm 2013 nước ta qui định: Đảng Cộng sản Việt Nam, các cơ quan nhà nước, CB,CC, viên chức chịu sự giám sát của Nhân dân.
Mục đích giám sát của Nhân dân đối với các tổ chức Đảng và cơ quan nhà nước là nhằm kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhà nước; bảo đảm quyền lực của Nhân dân đã uỷ thác, trao cho các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức (CB,CC); ngăn chặn và đẩy lùi sự lạm quyền, vi phạm Hiến pháp, pháp luật từ phía các cơ quan, tổ chức, CB,CC.
Thông qua hoạt động giám sát, Nhân dân đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN).
Trong 10 năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí, các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tỉnh Đồng Tháp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về nhận thức, ý thức trách nhiệm, vai trò của tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; của đảng viên, CB,CC, viên chức và Nhân dân về PCTN, lãng phí được tập trung thực hiện thường xuyên, liên tục, cả bề rộng và chiều sâu. Song song đó là đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nguyên tắc tự phê bình và phê bình; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát, phát huy dân chủ nội bộ và trong quần chúng bằng những hình thức phù hợp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Kết quả, công tác phòng tham nhũng, tiêu cực đã phát huy hiệu quả; công tác đấu tranh phát hiện các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực được xem xét, xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật, qua đó củng cố niềm tin trong nội bộ và Nhân dân; góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đạt được kết quả đó là tổng hợp của nhiều chủ trương, giải pháp, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, trong đó không thể thiếu sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong kiểm tra, giám sát việc xây dựng các quy chế, quy định của đơn vị, địa phương; tham gia vào công tác thanh tra nhân dân, qua đó góp phần phát hiện các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; lựa chọn, giới thiệu ứng cử viên các tổ chức dân cử và hoạt động của những đại biểu này; giám sát việc sử dụng đất đai, xây dựng, nghiệm thu, quyết toán công trình từ nguồn vốn do Nhân dân đóng góp...
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Nhân dân trong đấu tranh PCTN ở Đồng Tháp còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém. Công tác tuyên truyền, giáo dục, triển khai các quy định của pháp luật về PCTN, lãng phí chưa sâu, chưa tác động nhiều đến nhận thức của đại đa số người dân. Một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là công tác kiểm tra, giám sát về PCTN, lãng phí và việc tự kiểm tra để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng chưa thực hiện thường xuyên, hầu hết không phát hiện. Chưa có nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý thông qua hoạt động giám sát. Nhân dân chưa phát huy đúng, đầy đủ quyền giám sát, kiểm soát của mình trong công tác PCTN, phần lớn vụ việc tham nhũng bị phát hiện hiện qua dư luận, tố cáo nặc danh...
Để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Nhân dân trong PCTN ở tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới, ngoài các giải pháp của Đảng, Nhà nước đã được nêu trong Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, để nâng cao hiệu quả giám sát của Nhân dân trong đấu tranh PCTN ở tỉnh Đồng Tháp, cần có những giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Trước hết là phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân trong đấu tranh PCTN.
Tỉnh ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị của tỉnh phải thể hiện quyết tâm chính trị cao trong công khai, minh bạch các thông tin trên các lĩnh vực để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; kịp thời tổng kết, sơ kết các qui chế, qui định có liên quan thể hiện mối quan hệ giữa các tổ chức đảng, đoàn thể, chính quyền và Nhân dân, thông qua đó đúc kết các khâu, các lĩnh vực còn hạn chế, nhất là việc phát huy quyền làm chủ nhân dân trong công tác giám sát như đóng góp ý kiến, kiểm soát quyền lực, phản ảnh trên các mặt kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong công tác PCTN ngay từ cơ sở.
Các tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên phải làm tốt công tác vận động Nhân dân ở cơ sở, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, giải quyết khó khăn, xử lý kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, điều hòa lợi ích của các tầng lớp dân cư, các vùng và các lĩnh vực.
Xây dựng, hoàn thiện các qui định, qui chế của địa phương nhằm thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, các cơ quan có trách nhiệm giải trình, bảo đảm tính minh bạch, sự tham gia rộng rãi của Nhân dân trong quá trình xây dựng trước khi ban hành. Tôn trọng lắng nghe ý kiến đóng góp của Nhân dân nhưng phải phân tích mức độ đúng, sai của những ý kiến đó; bảo đảm bảo vệ người đã có ý kiến phát hiện những sai trái của CB,CC.
Vai trò giám sát của các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể nhân dân là yếu tố rất quan trọng, cần được phát huy hơn nữa.
Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể, khắc phục tình trạng hành chính hóa, công chức hóa, quan liêu, xa dân. Các đoàn thể cần hướng mạnh công tác về cơ sở, nắm chắc tình hình quần chúng; chủ động phối hợp giải quyết những vấn đề bức xúc trong Nhân dân; kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết, xử lý trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
Đồng thời, cần kiện toàn Ban thanh tra nhân dân, Tổ nhân dân tự quản ở cơ sở để tổ chức này thực sự là nơi tập hợp quần chúng ở xã, phường, thị trấn và các cơ quan hành chính sự nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội trong công tác giám sát việc thực thi chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại cơ sở. Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, tổ nhân dân tự quản trong giám sát hoạt động của chính quyền nói chung và trong thực hiện quy chế dân chủ, đấu tranh PCTN nói riêng.
Thực hiện thường xuyên và nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là pháp luật về PCTN cho Nhân dân.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tệ tham nhũng, tiêu cực chưa được đẩy lùi là do công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng chưa được đầy đủ, rộng khắp, quần chúng nhân dân chưa hiểu đúng, đủ và thực hiện theo qui định pháp luật về PCTN. Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN cho các tầng lớp Nhân dân.
Tăng cường kiểm tra, giám sát theo phản ánh, tố cáo của Nhân dân đối với công tác PCTN
Thực hiện tốt nhiệm vụ giải trình của người đứng đầu đối với các vụ việc, lĩnh vực dư luận phản ảnh, nhất là trong những lĩnh vực nhạy cảm; đồng thời xử lý nghiêm từng vụ việc, đối tượng rõ ràng, không có bao che, vùng cấm, tạo niềm tin của Nhân dân trong thực hiện quyền giám sát của mình theo qui định, nhất là các vụ việc liên quan đến tham nhũng.
Phạm Thiện Nghĩa
UVTV/Trưởng ban Nội Chính Tỉnh ủy Đồng Tháp