Nhận thấy và nhận được từ anh

Cập nhật ngày: 19/02/2021 18:14:00

Đồng chí Trương Vĩnh Trọng - anh Hai Nghĩa về công tác tại tỉnh Đồng Tháp trong khoảng thời gian 1 năm (2000-2001). Nhưng một lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhận xét, kết quả mà anh đóng góp cho Đồng Tháp bằng cả nhiều năm. Những ngày tháng làm việc bên anh, tôi nhận thấy và nhận được từ anh rất nhiều...


Đồng chí Trương Vĩnh Trọng ân cần thăm hỏi bà con. Ảnh: TL

Trước khi về nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, anh là Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương. Trải qua nhiều cương vị công tác và đặc điểm nghề nghiệp bảo vệ chính trị nội bộ, anh không thể không kỹ khi chọn người giúp việc cho mình. Nêu điểm này, tôi có chút tự hào là được chọn làm người giúp việc trực tiếp (thư ký) và đã góp phần nhỏ bé để anh hoàn thành trọng trách tại tỉnh Đồng Tháp. So với cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của anh, thời gian mà tôi được cùng làm việc bên anh chỉ là khoảnh khắc “tích tắc” và như vậy, làm sao có thể nói về anh cho đủ. Tuy vậy, với sự “cọ sát” nhiều, tôi nhận thấy những vượt trội của anh mà nhiều người không sánh được.

Tận tụy, trách nhiệm, đam mê công việc

Anh về công tác tại tỉnh Đồng Tháp trong khoảng thời gian đầy khó khăn. Đó là khi một số cán bộ chủ chốt và tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy có những sai phạm bị Bộ Chính trị chỉ đạo kiểm điểm và thi hành kỷ luật. Trước đó, vụ việc này đã gây tâm trạng hoài nghi trong Đảng bộ và lòng dân không yên. Đồng thời, cơn lụt lịch sử được đánh giá là “đại hồng thủy” năm 2000 - xuồng ba lá bơi được trên đường Lý Thường Kiệt của TP.Cao Lãnh, đã tàn phá cơ sở hạ tầng và đảo lộn mọi sinh hoạt trong cộng đồng. Sự cộng hưởng của cả hai yếu tố nội tình và ngoại cảnh làm cho tình thế “trăm mối tơ vò”. Hơn nữa, anh là người “chân ướt, chân ráo”, phải dành nhiều thời gian để nắm địa bàn và “nhân tình thế thái”. Trong khung cảnh “dầu sôi, lửa bỏng” ấy, anh đã kéo guồng máy làm việc quần quật với cường độ cao. Thư ký và lái xe, nhất là lái xe được anh gọi đi công tác vào bất cứ ngày, giờ nào, kể cả đêm và ngày nghỉ. Bằng tất cả phương tiện có được từ xe 4 bánh, xe 2 bánh, tắc ráng, xuồng nhỏ... Anh đã lặn lội khắp các địa bàn, nhất là các huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười, Cao Lãnh. Nhiều năm công tác trên địa bàn tỉnh, tôi biết Đồng Tháp nhiều nhất chính là thời gian đi cùng anh. Lịch làm việc, hội họp, tiếp khách, tiếp dân... của anh dày đặc. Đơn thư gửi đến anh phải được xử lý trong ngày, chỉ chậm 1 ngày là số đơn ngồn ngộn trên bàn làm việc. Thỉnh thoảng, tôi tự hỏi sao anh phải làm nhiều việc đến thế bởi theo tôi, một số việc có thể giao sang cho UBND tỉnh. Nhưng ngày qua ngày làm việc cùng anh, tôi nhận thấy ở anh không chỉ là tinh thần trách nhiệm đến cùng ở mỗi việc mà trở thành niềm đam mê. Đó là sự say mê cải tiến, hoàn thiện mỗi công việc đạt chất lượng cao nhất, cho dù có việc tưởng như nhỏ nhặt, ít được quan tâm nhất. Chẳng hạn, anh yêu cầu tôi và nhóm nhân viên hành chính phải sắp xếp, trang trí và đóng các tập tài liệu hội nghị, bài phát biểu, các tài liệu trong năm một cách cẩn trọng.

Ý thức trách nhiệm, sắp xếp nhân sự, thái độ, phong cách làm việc của anh thổi luồng gió mới thúc đẩy cả Đảng bộ Đồng Tháp vào guồng, bắt kịp nhịp độ phát triển cùng cả nước từ đó cho đến ngày nay. Với độ ngắn thời gian công tác, anh đã đưa Đảng bộ và tỉnh Đồng Tháp vượt qua cơn bĩ cực và phát triển thuận buồm xuôi gió là sự ghi nhận tài năng, đức độ của anh.

Trân trọng con người, tầm nhìn xa

Hầu như tất cả những ai được tiếp xúc với anh đều có chung một nhận xét: Anh tận tình và hòa đồng. Tôi cảm nhận ở anh 2 điều đáng quý trong giao tiếp với người khác là sự chân thành và bình đẳng.

Người miền Nam nói riêng, người Việt nói chung hay để ý những lời nói và hành vi đối với người giao tiếp, người tiếp mình có khách sáo hay không. Dù có nói lời hay ý đẹp, miệng cười như hoa nhưng bụng dạ không thật tâm, trong sáng thì người tiếp xúc cũng không thể tin cậy. Đối với anh, sự hòa quyện giữa sự tôn trọng người khác và nghệ thuật giao tiếp là nét rất đặc sắc. Trân trọng người khác biểu hiện ở cư xử bình đẳng. Anh tiếp đãi “lính” cũng như “quan”. Anh vào bếp nấu những món ăn sở trường của mình để “phục vụ” cấp dưới. Anh quan tâm gửi quà, “lì xì” đến những người thân quen, kể cả con cái của thuộc cấp gần gụi. Anh tranh thủ, góp nhặt sự ủng hộ của tất cả những người có thể liên quan đến sự phát triển của tỉnh. Sau này, tôi đọc về nhà lãnh đạo châu Phi tài ba N.Man-đê-la thì phát hiện một điều thú vị tương tự. Ông cho rằng, để họ (kẻ thù) ngoài vòng ảnh hưởng của mình thì nguy hiểm hơn nhiều. Hiếm người có được phẩm chất và phong cách giao tiếp như anh. Đây là một phẩm chất được nhận thức và tôi luyện lâu dài mới có được.

Tuy không chính thức “dẫn dắt” tôi đến ngưỡng cửa ngôi nhà khoa học, nhưng anh đã yêu cầu anh Huỳnh Minh Đoàn (Bí thư Tỉnh ủy kế nhiệm anh) tạo điều kiện để tôi tiếp tục đi học. Vào thời điểm ấy, tôi rất ngại phải đi học nhưng “sợ” anh nên không dám từ chối. Sau này, tôi ngẫm ra đó không chỉ là sự quan tâm mà còn là tầm nhìn của người lãnh đạo đối với cấp dưới, là việc rất bổ ích, cần thiết với tôi.

Tính giản dị, chân phương trở thành lối sống

Khoảng thời gian ở Đồng Tháp, sau đó và cho đến ngày nay mà tôi được biết, anh công tác, sống và sinh hoạt rất giản dị. Về Đồng Tháp, anh nhận xe đã cũ để làm phương tiện đi lại, từ chối phòng ở khang trang, ăn và mặc như một nông dân. Sự giản dị, chân phương trở thành nét tự nhiên không ẩn giấu, giả vờ. Người ta có thể nghi ngờ về sự “giả dạng thường dân” khi về công tác ở xứ nghèo và trong điều kiện ngập lụt. Nhưng sau đó, khi anh là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ mà vẫn giữ nét ấy thì rõ là phẩm chất, tính cách của anh. Tính giản dị, chân phương của anh thể hiện cả trong lời nói. Khi đọc bài phát biểu tại lễ khánh thành cầu Rạch Miễu, tôi thấy anh nói: “Trời đất ơi, bà con ơi...” để diễn đạt nỗi ước mong ngàn đời của người dân xứ cồn Bến Tre bị sông nước cách trở.

Những điều nhận thấy cũng là những điều mà tôi nhận được từ anh. Nó luôn theo tôi trong suy nghĩ và hành động. Trong giờ lên lớp, tôi thường kể vài mẩu chuyện về phẩm chất và phong cách của anh có liên quan đến bài giảng. Trong đó, tôi nhắc nhiều nhất là sự khuyến khích, động viên cấp dưới tuyệt vời của anh. Số là khi vừa mới nhận nhiệm vụ ở Đồng Tháp, anh đã giao cho tôi và một chuyên viên Văn phòng Tỉnh ủy soạn bài phát biểu tại Đại hội điểm một Đảng bộ xã của tỉnh. Tôi đã nỗ lực dự thảo suốt 2 tuần. Khi chuyển bài đến anh, tôi lo sợ về sự không đạt của nó. Anh đã tự sửa chữa hơn 70% trong bài, nhưng không một lời phê phán mà lại nói: “Biết, em viết rất hay. Hãy sửa cho anh thêm một chút nữa”. Ôi thôi! “Một chút” của anh đã làm tôi mất ngủ suốt cả tuần, nhưng làm việc rất hứng khởi vì lời khen đó.

Anh không chỉ tác động đến tôi bằng lời nói, hành động mà bằng chính lối sống của anh. Đến thời điểm anh về công tác tại Đồng Tháp, tôi vẫn hút thuốc lá. Ai đã từng hút thuốc thì biết bỏ nó khó khăn thế nào. Khi được phân công chính thức trực tiếp giúp việc anh, thấy anh không hút thuốc, tôi nhận ra sự không phù hợp, tuy anh không nói gì. Tôi đã tự nguyện từ bỏ hút thuốc từ đó.

Dù với khoảng thời gian ngắn, nhưng những chi tiết trong phẩm chất và phong cách của anh đầy ắp và không phai mờ trong tâm trí của tôi. Tôi xem anh vừa là người lãnh đạo đáng kính, vừa như anh ruột của mình. Làm việc với anh vừa nhọc nhằn, vừa hứng khởi vì nhận thấy mình có ích. Những gì tôi nhận thấy và nhận được từ anh rất nhiều bởi nó sẽ theo tôi trên suốt chặng đường phấn đấu cống hiến và sống có ích cho nước, cho dân.

TS. Nguyễn Văn Biết

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn