Nhiều giải pháp đột phá trong các hoạt động hỗ trợ thanh niên
Cập nhật ngày: 16/03/2021 10:09:07
ĐTO - Đồng hành, chăm lo, hỗ trợ thanh niên (TN), Huyện đoàn Tháp Mười không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động sát với tình hình thực tế và sự chỉ đạo của cấp ủy đảng các cấp. Trong đó có các giải pháp hỗ trợ TN phát triển kinh tế, củng cố, nhân rộng các mô hình, dự án (DA) khởi nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ TN tham gia các chương trình hướng nghiệp, đăng ký tham gia chương trình lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tổ hợp tác Dịch vụ nông nghiệp khóm 3, thị trấn Mỹ An tạo việc làm cho thanh niên trong lĩnh vực nông nghiệp
Huyện đoàn Tháp Mười đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy đề xuất UBND huyện quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế trong TN, xây dựng kế hoạch củng cố các mô hình, DA khởi nghiệp của TN. Bên cạnh đó, Huyện đoàn tổ chức các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp, tìm kiếm ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong TN, qua đó đã hỗ trợ được 7 DA khởi nghiệp mang lại hiệu quả. Trong đó, có 1 DA đạt giải khuyến khích tại Cuộc thi DA khởi nghiệp cấp tỉnh. Với sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền các cấp, toàn huyện có Câu lạc bộ TN khởi nghiệp cấp huyện và 13 Câu lạc bộ TN làm kinh tế tại các xã, thị trấn. Các Câu lạc bộ là nơi TN tham gia sinh hoạt, giao lưu, chia sẻ những định hướng nghề nghiệp và việc làm, giúp đỡ TN phát triển kinh tế.
Các mô hình, DA của TN được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành trong tư vấn về tính khả thi. Một số DA được hỗ trợ trong quá trình hoàn thiện quy trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, các DA khởi nghiệp được đánh giá cao và được hỗ trợ như: DA của cơ sở muối ngào Ngọc Phú, DA sản xuất và cung cấp chậu cảnh mặt hàng thủ công, trang trí cảnh quan... Theo anh Nguyễn Ngọc Phú, với nguồn vốn vay hỗ trợ, anh đầu tư trang thiết bị, cải tiến bao bì, chất lượng, đa dạng thêm các dòng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và ổn định thu nhập. Cùng với sự hỗ trợ của Huyện đoàn, Xã đoàn, anh còn được Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện khuyến khích tham gia các lớp tư vấn, giới thiệu nâng cao chất lượng, năng suất, sản phẩm hàng hóa; kỹ năng bán hàng...
Ngoài ra, Huyện đoàn và các cơ sở Đoàn trực thuộc sau thời gian tiếp cận DA đã xem xét hướng dẫn, hỗ trợ TN thủ tục vay vốn phát triển kinh tế thông qua các nguồn quỹ. Đến nay, 100% các xã, thị trấn trong huyện đều có các Tổ hợp tác TN làm kinh tế, trong đó có TN làm kinh tế dịch vụ nông nghiệp tại địa phương. Trong đó có Tổ hợp tác Dịch vụ nông nghiệp ấp Mỹ Điền, xã Phú Điền. Ngoài ra, duy trì hiệu quả 16 Tổ hợp tác TN theo Nghị định 151 của Chính phủ tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định mang lại thu nhập từ 200.000 – 250.000 đồng/ngày/lao động. Trong năm 2020, Huyện đoàn Tháp Mười tiếp tục duy trì củng cố các Tổ hợp tác kinh tế trong TN hoạt động có hiệu quả. Tại thị trấn Mỹ An, Tổ hợp tác Dịch vụ nông nghiệp khóm 3 được thành lập với 8 thành viên, các thành viên trong tổ nhận các công việc trong lĩnh vực nông nghiệp, có thu nhập từ 200.000 đồng – 250.000 đồng/ngày. Mô hình Tổ hợp tác Dịch vụ nông nghiệp khóm 3 hoạt động giúp các thành viên có việc làm thường xuyên, ổn định thu nhập.
Đối với lao động là TN nông thôn, Ban Thường vụ Huyện đoàn quan tâm thường xuyên: phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho TN, nhất là TN trong độ tuổi lao động, học sinh tốt nghiệp THCS, THPT. Đặc biệt là vận động TN tham gia các phiên giao dịch việc làm, tham gia các buổi tư vấn, hướng nghiệp, tư vấn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng... Đồng thời chỉ đạo các đơn vị Xã đoàn, Thị trấn đoàn thực hiện rà soát, giúp đỡ, ghi nhận những ý kiến và nguyện vọng của TN để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp.
Trong giai đoạn 2017 - 2022, Huyện đoàn Tháp Mười tiếp tục tăng cường công tác hỗ trợ, tư vấn, tạo nghề và giới thiệu nghề nghiệp việc làm cho TN; tổ chức các “Diễn đàn khởi sự lập nghiệp”. Đồng thời giúp đỡ TN có mô hình khởi nghiệp; vận động TN đăng ký tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; tham gia giúp đỡ hộ TN vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, tổ chức khảo sát thực tế, gặp gỡ, lắng nghe những chia sẻ của TN, hội viên về những nguyện vọng phát triển kinh tế ổn định cuộc sống. Phối hợp cùng các đơn vị, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND các xã, thị trấn tư vấn, tuyên truyền, hướng dẫn, cung cấp các thông tin liên quan đến hội viên, TN từ huyện đến cơ sở. Nhân rộng các dự án, mô hình cá nhân, tập thể điển hình có cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc hình thành ý tưởng, thực hiện các dự án, mô hình phù hợp với địa phương mang lại hiệu quả thiết thực. Tạo điều kiện giúp đỡ hội viên, TN tham gia các diễn đàn, sân chơi khởi nghiệp; kết nối với các doanh nghiệp, công ty hỗ trợ việc làm, đầu ra sản phẩm cho TN, hội viên.
C.P.