Châu Thành:

Nỗ lực khắc phục hậu quả sạt lở

Cập nhật ngày: 20/02/2021 06:38:06

ĐTO - Trong những năm gần đây, hiện tượng sạt lở kênh, rạch nội đồng trên địa bàn huyện Châu Thành ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Theo đánh giá của ngành chức năng huyện, vận tốc dòng chảy trên các tuyến kênh, rạch thay đổi; biên độ dao động, cao trình mực nước lớn bất thường tác động đến sự bồi tụ ở các lòng kênh, rạch… là những nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở.


Hiện trường vụ sạt lở tại xã Phú Long, huyện Châu Thành

Điển hình là vụ sạt lở xảy ra lúc 22 giờ ngày 28/8/2020, tại ấp Phú Thạnh, xã Phú Long, đã nhấn chìm hoàn toàn 1 căn nhà cấp 4 và quầy thuốc tây của người dân, tổng diện tích sạt lở trên 80m². Rất may vụ sạt lở không thiệt hại về người, tài sản ước thiệt hại gần 700 triệu đồng. Sau khi sự cố sạt lở xảy ra, UBND huyện Châu Thành đã chỉ đạo các ban, ngành và lực lượng vũ trang đến hiện trường hỗ trợ di dời tài sản, vật kiến trúc của người dân đến nơi an toàn. Đồng thời động viên, hỗ trợ đột xuất các hộ bị thiệt hại nặng trong vụ sạt lở. Theo bà Trần Kim Phượng – chủ căn nhà cấp 4 bị sạt lở cuốn trôi, căn nhà của bà xây dựng được 4 năm. Trước khi gặp nạn, gia đình bà đã thuê người đóng cừ tràm gia cố bờ sông phía sau nhà. Công trình vừa hoàn thành thì xảy ra sạt lở, toàn bộ tài sản trong nhà đều bị nhấn chìm xuống dòng nước.

Qua thống kê trong năm 2020, trên địa bàn huyện có khoảng 37 vị trí sạt lở kênh, rạch nội đồng tại địa bàn các xã: An Khánh, Phú Hựu, Phú Long, Tân Nhuận Đông, An Phú Thuận và thị trấn Cái Tàu Hạ. Tổng chiều dài sạt lở gần 2.000m, diện tích bị sạt lở 7.695m2, ước thiệt hại hơn 9 tỷ đồng. Theo UBND huyện Châu Thành, kết quả khảo sát của ngành chuyên môn cho thấy, các tuyến kênh, rạch nội đồng trên địa bàn huyện thường có độ rộng đáy tương đối hẹp, mái bờ có hệ số thấp nên vận tốc dòng chảy cao, lưu lượng nước chuyển lớn. Từ đó, những tác động của dòng chảy đã tự đào sâu lòng kênh, làm mất tính ổn định của 2 bên bờ kênh, tạo ra các vị trí sạt lở. Mặt khác, do quá trình di chuyển của các phương tiện vận tải đường thủy công suất lớn, nhất là di chuyển trong thời gian nước kém đã làm tăng sự tự đào sâu của lòng kênh, rạch và khả năng tạo các hố sâu gần bờ, gây nguy cơ sạt lở bờ kênh, rạch.

Việc sạt lở nội đồng làm hư hỏng đường giao thông và đê bao bảo vệ sản xuất của người dân trong khu vực. Trong khi đó, các hoạt động khắc phục sạt lở còn gặp nhiều khó khăn do trên địa bàn có rất nhiều vị trí sạt lở và kinh phí của huyện có giới hạn. Tính đến đầu năm 2021, toàn huyện chỉ khắc phục được 13/37 vị trí sạt lở, đạt khoảng 35%. Phương án khắc phục sạt lở trên địa bàn huyện hiện nay chủ yếu là gia cố cừ dừa kết hợp cừ tràm, lưới cước, dây thép và đắp đất (đối với các vị trí sạt lở không có xảy ra hố xoáy và cao trình đáy kênh không vượt quá 3m). Riêng các vị trí sạt lở có địa hình phức tạp thì thực hiện bằng phương án gia cố khắc phục bằng kè bê tông cốt thép. Còn phương án khắc phục bằng giải pháp kè lát mái đối với sạt lở kênh, rạch nội đồng chưa thực hiện được do chi phí lớn, quá trình thi công phức tạp.

Qua việc thực hiện các giải pháp khắc phục vị trí sạt lở trên địa bàn huyện cho thấy, phương án gia cố cừ dừa kết hợp cừ tràm và các vật liệu khác có chi phí tương đối thấp, tiến độ thi công nhanh, dễ dàng thực hiện phù hợp cho các vị trí sạt lở nội đồng. Đến nay, phương án này vẫn đảm bảo tính an toàn, bền vững. Hiện UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng tiếp tục theo dõi tính ổn định và độ bền vững để có những đánh giá chính xác hơn. Đối với phương án khắc phục sạt lở bằng bê tông cốt thép, kết quả cho thấy tính bền vững chưa đảm bảo, sự cố hư hỏng kè cũng không nhỏ. Nguyên nhân là do nền đất yếu, đồng thời tác động của dòng chảy và cao trình đáy kênh thay đổi nhanh, có khả năng hình thành các hố xoáy sau khi xây dựng,... Ngoài ra, kinh phí khắc phục bằng phương án này lớn, vượt khả năng cân đối của huyện. Để giải quyết những vấn đề cấp thiết do sạt lở gây ra trên địa bàn, sắp tới, UBND huyện Châu Thành sẽ kiến nghị tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí khắc phục hậu quả cho người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp và người dân vùng sạt lở. Đồng thời kiến nghị ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật khắc phục sạt lở mang tính chất bền vững, an toàn hơn.

LÊ THANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn