Nơi thể hiện lòng nhân đạo

Cập nhật ngày: 28/01/2017 11:22:26

Các chậu mai trong sân trại đã trổ bông vàng rực, ra lá non. Tôi chợt nghĩ: Mùa xuân đã tới sớm hơn ở nơi thấm đẫm lòng nhân đạo này...


Lãnh đạo Công an tỉnh trao quyết định ra trại cho phạm nhân

Bước qua cổng, tôi ngỡ ngàng trước thực tế trái ngược với trí tưởng tượng của mình trước đó. Khoảng sân xi măng rộng, dọc các lối đi bày những chậu mai, cây cảnh dẫn đến các dãy nhà tường xây dựng đẹp, tôi ngỡ đây là một cơ quan nào đó chớ không phải Trại tạm giam Cao Lãnh. Đi lại là những sĩ quan, chiến sĩ mặc sắc phục công an trông gần gũi, hiền lành.

Tôi đến một chiếc bàn đá tròn đặt cạnh căng-tin, trên bàn có mấy ly trà đá. Ngồi xung quanh một người mặc đồ phạm nhân là 2 thanh niên và 2 phụ nữ. Hỏi ra đó là phạm nhân Võ Văn Gốp, quê khóm Tân Đông A, thị trấn Thanh Bình. Hôm nay, các anh chị đến thăm, đang thoải mái, tâm sự với nhau. Gần đó là bà Nguyễn Thị Cung - mẹ phạm nhân Trần Thị Tuyết Nhung, đã 3 lần đến thăm con.

Đến nhà ăn, tôi gặp 7 phạm nhân nữ đang phục vụ các bàn ăn của phạm nhân. Nếu không mặc bộ quần áo trắng sọc xanh, thì đố ai biết đó là phạm nhân. Người nào cũng đẹp, trắng trẻo, hồng hào. Nhìn các bàn chân, tôi bất ngờ cô nào cũng mang vớ chân và dép. Tôi tự nói trong lòng: ở tù mà như vậy sao? Ngồi quanh bàn, nói chuyện thoải mái với nhau, cô Nguyễn Thị Thúy Hằng, chân tình thổ lộ: “Vừa qua, cháu đã sai. Đến đây được cán bộ đối xử tốt, gần gũi, ân cần dạy dỗ. Cháu hy vọng khi trở về làm người tốt, dạy dỗ con nên người”. Cô Đoàn Thị Bích Phượng ở khóm 1, phường 2, TP.Sa Đéc tâm sự: “Cháu chịu án 11 năm tù. Nay đã ở gần 7 năm. Cháu đã 3 lần được xét giảm án 36 tháng. Tháng nào, chồng cháu cũng đến thăm...”. Đặc biệt có cô Huỳnh Thị Kim Liên ở xã An Hòa, TP.Sa Đéc, tội liên đới với chồng. Chồng cô nhận án 12 năm tù và giam giữ nơi khác. 2 đứa con (đứa 15 và đứa 10 tuổi) đang ở với ông bà ngoại, đi học. Qua tâm tình, trao đổi, ai cũng nhận ra việc làm sai trái của mình, phạm tội phải vào đây, hy vọng qua cải tạo, học tập tốt, được giảm án, sớm về với gia đình làm người công dân tốt, không phạm lại lỗi lầm. Cô Bùi Thị Chúc Phương ở ấp 2, xã Mỹ Hòa hy vọng mình được ra tù trước Tết năm nay...

Bước qua bếp nấu ăn, khâu nấu nướng đều là phạm nhân nam, vì công việc nặng nề hơn. Anh Phan Văn Lĩnh vừa nấu chảo canh củ cải trắng trên bếp lò trấu, không ngần ngại trò chuyện: “Tôi chịu án 3 năm giam giữ, nay đã ở được gần 2 năm. Hy vọng Tết này được về! Vợ anh đang làm việc ở Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp. Vừa làm anh vừa nói: “Tôi có 2 đứa con. Đứa lớn 25 tuổi đã tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương và đi làm ở TP.Hồ Chí Minh. Đứa nhỏ 18 tuổi đang học lớp 12 Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu”. Anh vui sướng kể: “Đã có một lần bà xã tới thăm ngủ lại đêm với tôi ở nhà hạnh phúc. Vợ chồng thức nói chuyện sáng đêm. Anh cười: “Ở tù mà được vợ tới thăm, ăn cơm chung và ngủ với vợ tới 5 giờ sáng hôm sau...”. Cạnh bên, một phạm nhân đang ướp nước màu, muối... trong một thau lớn cá tra nuôi tại trại. Anh cho biết, trại có nơi trồng các loại rau muống, mồng tơi, cải xanh, cải ngọt, củ cải... và hầm nuôi cá, có trại nuôi heo cho ăn thức ăn sạch, cung cấp cho bếp ăn.

Thăm ngôi nhà hạnh phúc, xây tường, có 3 phòng. Mỗi phòng có một giường đôi, 2 gối, mền mùng đầy đủ. Cạnh bên có nhà tắm, vệ sinh.

Tôi lại bất ngờ. Ở tù mà hàng tháng vợ được đến thăm chồng, chồng thăm vợ và ngủ lại đêm tại đây. Ở tù mà được vậy còn gì hơn nữa! Phạm nhân Lê Văn Kho quê ấp 1, xã Thường Phước 2, tươi cười khoe: “Vợ tới thăm và ngủ đêm tại nhà hạnh phúc với tôi được 6 lần rồi! Tôi quyết tâm làm lại cuộc đời, không tái phạm nữa”. Anh thở dài: “Tại nhậu. Bạn bè lôi kéo nhậu nên phạm tội. Tôi quyết sẽ không uống rượu nữa”.

Dãy nhà phạm nhân ở có hai tầng. Hai dãy sạp dài, song song xây cao lót gạch men sạch bóng. Mỗi nơi phạm nhân nằm được cấp chiếu, mùng, mền... tất cả được xếp vuông vắn, ngay ngắn trên đầu nằm. Đầu dãy nhà phía trên tường có gắn một ti-vi. Có cửa thông vô phòng tắm, cầu vệ sinh. Nước sạch đầy trong hồ. Mỗi người được phát một cái xô nhựa có nắp đậy, trên ghi tên, trong đựng xà bông tắm, xà bông giặt... dùng riêng của mỗi người. Đầu dãy, có bình nước lọc để uống. Tôi gặp phạm nhân Nguyễn Văn Hòa ở xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình đang dạy chữ cho phạm nhân Nguyễn Văn Dụ: “Cháu sống tới 90 tuổi lận. Như vậy cuộc đời cháu còn tới 70 năm nữa. Tương lai phía trước còn dài lắm”. Dụ hứa: “Tui hối hận lắm. Trở về tui sẽ làm lại người tốt”.

Hội trường cao rộng, đầy đủ bàn ghế, quạt trần, có sức chứa hàng trăm người. Đồng chí Đại tá Lê Văn Lũ - Giám thị cho biết: Mỗi phạm nhân mới vô, được học tập giáo dục công dân, nội qui của trại, để phạm nhân rõ nghĩa vụ và quyền lợi của mình, công khai chế độ ăn ở, đồ dùng... Buổi sáng, 6 giờ 30 phút tất cả phạm nhân lên hội trường nghe đọc báo Nhân dân 20 phút. Loa truyền thanh của trại ngày phát 2 lần sáng, chiều. Phía trước sân khấu có ghi rõ nội dung 4 tiêu chuẩn cho phạm nhân xem để theo đó phấn đấu và mỗi người, mỗi năm được 1 lần xét giảm án. Chế độ ăn theo quy định. Mỗi ngày ăn cơm 2 lần lúc 11 giờ trưa và 17 giờ chiều. Từ 19 giờ 30 phút đến 21 giờ, phạm nhân tự do sinh hoạt. Chủ nhật được nghỉ, ai thích thì lên hội trường hát karaoke. Trại có sân bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn mỗi ngày chơi từ 17 giờ đến 18 giờ. Ti vi trong phòng được mở đài truyền hình Đồng Tháp xem thời sự, đến 21 giờ thì tắt. Mỗi phạm nhân được phát giấy viết một tháng viết thơ 2 lần gởi về gia đình. Điện thoại được gọi mỗi tháng 1 lần. Những ngày lễ lớn như Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4, 2/9, Tết Dương lịch và 4 ngày Tết Âm lịch được ăn gấp 5 lần, theo tiêu chuẩn qui định.

Trạm xá có đến 3 bác sĩ. Trong phòng khám bệnh có 2 tủ thuốc - 1 của trạm xá dành điều trị cho phạm nhân, 1 giữ thuốc của gia đình phạm nhân gởi cho những phạm nhân có bệnh mãn tính. Cạnh bên, có phòng để những phạm nhân cần nằm điều trị. Ai bệnh nặng hơn sẽ được chuyển đi bệnh viện. Hàng tháng, các phạm nhân nữ được phát băng, bông, giấy vệ sinh... Nữ bác sĩ Trần Minh Thi quê phường 1, TP.Cao Lãnh vui vẻ, tự hào đã làm việc ở đây gần 11 năm rồi.

Tôi đã ở tù thời Mỹ Diệm. Nơi hành hạ, trừng trị người tù của chế độ tàn bạo đó còn ấn tượng trong đầu tôi. Nay đến đây, mắt thấy tai nghe, được tâm tình trò chuyện với phạm nhân, trông họ khỏe mạnh, thoải mái sinh hoạt, nghe họ nói, tôi càng thấy rõ ở đây không phải nơi trừng trị, hành hạ, đối xử tàn bạo với họ, mà là nơi để họ tỉnh tâm tự nhận ra sai lầm, sẽ được học có sự góp tình góp sức của những cán bộ Công an hàng ngày trực tiếp với họ - sẽ là động lực để họ phấn đấu hướng về tương lai tươi sáng.

Các chậu mai trong sân trại đã trổ bông vàng rực, ra lá non. Tôi chợt nghĩ: Mùa xuân đã tới sớm hơn ở nơi thấm đẫm lòng nhân đạo này...

Nguyễn Đắc Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn