Phát huy vai trò nòng cốt của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp tỉnh nhà

Cập nhật ngày: 05/01/2021 10:42:46

ĐTO - Đồng Tháp có tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, Hội Nông dân (ND) các cấp trong tỉnh tập trung phát huy vai trò nòng cốt của mình trong phát triển nông nghiệp tỉnh nhà, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương và nâng cao đời sống cho người ND.


Đồng Tháp đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp

Các cấp Hội ND trong tỉnh tổ chức tuyên truyền, vận động ND sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn và thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp. Đồng thời vận động ND chuyển đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu, cải tạo vườn tạp trồng các loại cây ăn trái; xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình “Cây xoài nhà tôi”; trồng dưa lưới trong nhà kính; trồng ớt ứng dụng công nghệ cao; trồng xoài, cam, nhãn, chanh, thanh long ruột đỏ và rau theo chuẩn VietGAP; nuôi ếch an toàn sinh học, nuôi vịt và cá sặc rằn... Qua đó, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP).

Hội ND tổ chức nhiều hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ ND phát triển kinh tế nông nghiệp. Bà con ND được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ ND, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội... Trong 10 năm qua, Quỹ hỗ trợ ND đã giải ngân xoay vòng 168 lượt dự án, có trên 2.600 hộ vay, tổng nguồn vốn luân chuyển xoay vòng hơn 69 tỷ đồng. Nguồn vốn Quỹ hỗ trợ ND kịp thời “tiếp sức” cho nhiều ND phát triển sản xuất, kinh doanh. Ông Dương Văn Thành (SN 1972) ngụ xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh cho biết: “Tôi đầu tư trồng 1,3ha cam xoàn. Năm 2017, với số tiền 60 triệu đồng vay từ Quỹ hỗ trợ ND đã góp phần giúp tôi mua vật tư nông nghiệp, mua máy phát cỏ, làm hệ thống tưới nước cho cây... Không chỉ tôi mà nhiều thành viên khác của Tổ hợp tác cam xoàn xã Phong Mỹ cũng được vay với tổng số vốn 600 triệu đồng”. Đến nay, vườn cam xoàn của ông Thành đã cho thu hoạch và mang về lợi nhuận trung bình khoảng 400 triệu đồng/năm. Ông đã trả xong vốn vay của Quỹ hỗ trợ ND vào cuối năm 2019.

Bên cạnh đó, Hội ND phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngân hàng thương mại, công ty, doanh nghiệp hỗ trợ ND vay vốn theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Nhờ đó, từ năm 2010 đến nay, bà con ND đã mua khoảng 6.800 máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có 2.953 máy gặt đập liên hợp, 2.400 máy cày, 121 máy cấy lúa... tổng trị giá gần 781,6 tỷ đồng. Đồng thời tổ chức Hội ND phối hợp với các công ty, doanh nghiệp cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi và cây, con giống các loại cho ND; tham gia hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ nông sản; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho ND.

Nổi bật là công tác hỗ trợ ND tiếp cận với khoa học kỹ thuật được các cấp Hội ND quan tâm thực hiện thường xuyên. Trong 10 năm qua, Hội ND phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức 35.067 buổi tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật, có gần 1.644.000 lượt ND tham dự; thành lập 621 mô hình hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ ND trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, góp phần giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng lợi nhuận cho ND. Thông qua nhiều hình thức, Hội ND các cấp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn ND tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể. Toàn tỉnh đã thành lập được 1.015 tổ hợp tác, 172 hợp tác xã nông nghiệp và hơn 90 hội quán (có trên 5.000 hội viên).

Theo lãnh đạo Hội ND tỉnh Đồng Tháp, hàng năm, thông qua việc phát động phong trào thi đua ND sản xuất, kinh doanh giỏi, toàn tỉnh có trên 60% hộ ND đăng ký và có trên 40% số hộ đăng ký đạt danh hiệu này. Phần đông ND thay đổi nhận thức từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp; tích cực tham gia xây dựng, nhân rộng các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo hướng sạch; tăng cường đưa cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bà con ND tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và những ngành hàng có thế mạnh của địa phương. Đời sống vật chất, tinh thần của ND từng bước nâng lên, giảm tỉ lệ hộ nghèo trong hội viên ND.

N.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn