Sức bật của xã Phong Hòa anh hùng

Cập nhật ngày: 29/04/2017 11:49:22

ĐTO - Trong chiến tranh, quân và dân xã Phong Hòa, huyện Lai Vung kiên cường chống giặc ngoại xâm. Đến nay, sau 42 năm thống nhất đất nước, quê hương Phong Hòa có sự chuyển mình mạnh mẽ. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng phát triển.


Xã Phong Hòa phát triển hệ thống giao thông nông thôn

Nơi ra đời của Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng

Từ trước năm 1930 đến năm 1947, xã Phong Hòa thuộc quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, xã Phong Hòa từng thuộc quận Châu Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc... Từ năm 1989 đến nay, xã Phong Hòa thuộc huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Theo Lịch sử truyền thống cách mạng xã Phong Hòa (giai đoạn 1930 - 2005), đầu năm 1928, tại Phong Hòa đã hình thành một Tiểu Tổ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (TNCMĐCH), lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống bọn tay sai, tề xã ác ôn. Sau khi An Nam Cộng Sản Đảng (là một trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) ra đời, tại xã Phong Hòa, khoảng tháng 11/1929, Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng cũng được thành lập. Chi bộ có 7 đảng viên (đều là hội viên Tiểu Tổ TNCMĐCH) do đồng chí Đặng Văn Thân làm Bí thư và Nguyễn Văn Huynh giữ vai trò Phó Bí thư. Chi bộ An Nam Cộng Sản Đảng được thành lập ở Phong Hoà là một trong những chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Cần Thơ và kể cả tỉnh Đồng Tháp. Từ khi ra đời, chi bộ Đảng xã Phong Hòa lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống giặc ngoại xâm và bè lũ tay sai. Các tầng lớp nhân dân trong xã một lòng theo Đảng, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Chi bộ vận động quần chúng biểu tình, đấu tranh việc địch bắt người dân đi đắp con lộ 37 (dài từ Phong Hòa đến bến phà Cần Thơ cũ); huy động nhân dân đấu tranh đòi bỏ các loại thuế như thuế thân, hoa chi chợ, bến đò; chia lại ruộng đất cho dân nghèo. Chi bộ lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định Giơnevơ, xây dựng căn cứ, tham gia phong trào Đồng Khởi; phát động quần chúng phá ấp chiến lược, hưởng ứng cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân; lãnh đạo củng cố lực lượng, đẩy mạnh đấu tranh các mũi chính trị, binh vận và quân sự... Xã Phong Hòa giải phóng vào ngày 2/5/1975. Để ghi dấu sự kiện lịch sử và truyền thống đấu tranh bất khuất của cha ông, Tượng đài tưởng niệm Chi bộ An Nam Cộng sản đã xây dựng trên địa bàn xã Phong Hòa. Năm 1998, xã Phong Hòa vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sức bật của vùng quê anh hùng

Ông Phạm Văn On (SN 1950) là cán bộ hưu trí ở ấp Tân Phong, xã Phong Hòa cho biết: “Sau giải phóng, Phong Hòa có nhiều đất hoang, bị nhiễm phèn. Cuộc sống người dân khó khăn, thiếu thốn. Từ các nguồn lực, địa phương thực hiện nhiều công trình thủy lợi, tổ chức khai hoang phục hóa. Năng suất và sản lượng lúa tăng. Bà con cải tạo vườn tạp trồng cây có giá trị kinh tế cao. Hệ thống điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế dần được xây dựng... Cuộc sống người dân ngày càng cải thiện hơn”. Tình hình sản xuất nông nghiệp ở xã Phong Hòa đạt nhiều kết quả nổi bật. Năm 2016, tổng sản lượng lúa 3 vụ khoảng 35 ngàn tấn; hơn 530ha trồng hoa màu, riêng cây huệ chiếm 254ha. Diện tích trồng cây ăn trái trên 640ha chủ yếu là nhãn, cam, bưởi, quýt, thanh long...


Nông dân Phong Hòa liên kết trong sản xuất và tiêu thụ thanh long

Đồng chí Lê Hồng Phúc - Bí thư Đảng ủy xã Phong Hòa, phấn khởi cho hay: “Năm qua, tình hình giá cả và tiêu thụ trái cây tương đối ổn định. Nhà vườn sản xuất đạt lợi nhuận khá. Đặc biệt, cây thanh long ruột đỏ đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xã thành lập Tổ Hợp tác sản xuất (HTSX) thanh long ruột đỏ, có 55 thành viên với hơn 40ha. Công ty TNHH Thạch Võ (trụ sở chính tại tỉnh Vĩnh Long) ký kết bao tiêu toàn bộ thanh long của các thành viên trong tổ”. Ông Nguyễn Văn Đúng (SN 1938) ngụ ấp Tân Phong là thành viên Tổ HTSX thanh long ruột đỏ chia sẻ: “Vài năm nay, thị trường tiêu thụ ổn định, trung bình mỗi năm tôi thu về 200 triệu đồng/công thanh long ruột đỏ. Với hiệu quả kinh tế mang lại, tôi tăng diện tích trồng thanh long lên hơn 8 công đất”. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, xã Phong Hòa đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; thành lập các Tổ HTSX như mận bao lưới, cây có múi, nhãn.

Xã Phong Hòa xây dựng các tuyến đường như Mương Khai, Kinh Lãi, Tân Thới, Tân Quới... và nhiều cây cầu. Điều đáng ghi nhận là người dân nhiệt tình đóng góp làm cầu, đường. “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, bà con trong ấp đã đóng góp hàng tỷ đồng để cùng với Nhà nước làm 7,2km đường đan” - Đồng chí Lê Văn Hòa - Bí thư Chi bộ ấp Tân Quới nói. Cùng với hệ thống giao thông nông thôn, thời gian qua, Nhà nước đã đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 54 đoạn qua địa phận xã Phong Hòa, đường ĐT-853 nối xã Phong Hòa với TP.Sa Đéc. Đặc biệt, công trình đường ĐT-853 nối dài đang thi công và sắp tới đây, công trình Bến khách ngang sông Phong Hòa - Ô Môn (TP.Cần Thơ) hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đây sẽ là những cơ hội mới, tạo đà cho xã Phong Hòa bức phá phát triển hơn nữa.

Sau mấy mươi năm giải phóng, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của Phong Hòa có bước tiến dài. Từ một xã nghèo, đến năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của xã gần 33,4 triệu đồng, hộ nghèo giảm còn 6,91%. Phong Hòa còn là điểm sáng trong công tác vận động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Việc chăm lo cho những đối tượng chính sách, có công với cách mạng được đặc biệt quan tâm. Các trường học đều xây dựng kiên cố, khang trang. Trạm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia, có 3 bác sĩ. 94,1% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa; tỉ lệ hộ dân sử dụng điện và nước sạch rất cao.

Năm tháng đã đi qua, nhưng những trang sử oai hùng trong kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị. Phát huy truyền thống anh hùng của thế hệ đi trước, ngày nay, Đảng bộ và nhân dân xã Phong Hòa đang nỗ lực, ra sức xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

NHỰT AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn