Truyền thống vẻ vang của Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8

Cập nhật ngày: 28/07/2017 10:42:02

Trải qua 16 năm xây dựng và phát triển (1959-1975), Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 (Trung Nam Bộ) đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu và phục vụ Khu ủy lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng; tổ chức triển khai công tác chuyên môn qua các Tiểu ban: Huấn học, Tuyên truyền, Thông tấn báo chí, Văn nghệ, Giáo dục, Nhà in, Các đội tuyên truyền xung phong...

Những cống hiến và hy sinh của tập thể Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đóng góp xứng đáng vào cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những kết quả đạt được qua các chặng đường lịch sử đã tô thắm truyền thống vẻ vang của Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8.

Khu 8 là vùng đất nằm giữa Nam Bộ Việt Nam, còn gọi là Khu Trung Nam Bộ được chính thức thành lập cùng với các Khu khác trong toàn quốc từ sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, gồm các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Long An và Bến Tre.

Nhân dân Khu 8 có truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết và ý chí kiên cường, quật khởi, cần cù trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân Khu 8 đã kiên cường đấu tranh, xây dựng chiến khu bưng biền huyền thoại Đồng Tháp Mười, làm bàn đạp đứng chân cho các cơ quan đầu não kháng chiến Nam Bộ trong những ngày đầu gian khó.

Những chiến thắng vang dội như trận Cổ Cò, Giồng Dứa, Mộc Hóa, Kinh Bùi... những cuộc nổi dậy đồng loạt của nhân dân Khu 8 trong chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, góp phần cùng với cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, đưa đến sự ra đời của Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Đông Dương.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hòa trong phong trào đấu tranh của đồng bào Nam Bộ, quân và dân Khu 8 phát huy truyền thống yêu nước, bất khuất, vượt qua khó khăn, thử thách, vận dụng sáng tạo đường lối đấu tranh nhân dân của Đảng, lập nhiều kỳ tích vang dội, làm thay đổi cục diện chiến trường miền Nam như: Chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung năm 1959 (Đồng Tháp), Phong trào Đồng Khởi năm 1960 (Bến Tre), Chiến thắng Ấp Bắc năm 1963 (Tiền Giang) và lần lượt làm phá sản các chiến lược chiến tranh của Mỹ và tay sai.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, Khu 8 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng toàn Khu, hòa nhịp cùng với cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Những chặng đường lịch sử và những thắng lợi to lớn của quân và dân Khu 8 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có phần đóng góp to lớn của Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8.

Năm 1959, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng cho sự chuyển mình của cách mạng miền Nam với sự ra đời của Nghị quyết 15; trong thời khắc cách mạng miền Nam đứng trước những khó khăn, thử thách nghiêm trọng, Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 được thành lập.

Những ngày đầu nhen nhóm công tác Tuyên huấn với 5, 10 cán bộ, nhân viên do đồng chí Cao Văn Sáu (Sáu Cao), Bùi Tấn Mỹ (Sáu Bùi) làm nòng cốt, là những hạt giống đầu tiên xây dựng ngành Tuyên huấn Khu ủy Khu 8.

Được sự quan tâm lãnh đạo của Khu ủy, sau cuộc Đồng Khởi năm 1960, phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng lớn mạnh, Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 được tăng cường, củng cố và phát triển với gần 400 cán bộ, nhân viên, hình thành tương đối đầy đủ các Tiểu ban và đơn vị trực thuộc có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ do đồng chí Lê Việt Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy làm Trưởng Ban. Nhiệm vụ xuyên suốt của Ban Tuyên huấn qua các thời kỳ là phục vụ nhiệm vụ chính trị của Khu ủy.

Qua 16 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể đội ngũ cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ làm tham mưu, phục vụ Khu ủy lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng, phổ biến sâu rộng kinh nghiệm đánh giặc theo đường lối “hai chân, ba mũi”, “ba vùng chiến lược” trên địa bàn Khu 8, liên tục đào tạo cán bộ đảm bảo yêu cầu của cách mạng; luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, đáp ứng kịp thời yêu cầu của các chiến dịch, các đợt tấn công và nổi dậy của quần chúng nhân dân trong từng thời điểm, từng địa phương..., góp phần xứng đáng vào những thành tích to lớn của quân và dân Khu 8 trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Sau ngày 30/4/1975, Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 giải thể, hầu hết cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 đã được Đảng và Nhà nước phân công nhiệm vụ mới, nhiều đồng chí là lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, có đồng chí là doanh nhân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới..., tiếp tục cống hiến, đóng góp trí tuệ, sức lực trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy thành quả và truyền thống vẻ vang của Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8, trong những năm qua, Ban Liên lạc Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 luôn xứng đáng là một tổ chức gắn bó mật thiết với các phong trào thiết thực tại địa phương.

Mặc dù đa số thành viên tuổi cao, sức khỏe giảm sút, song với tâm niệm của người cán bộ kháng chiến, các đồng chí luôn gắn bó, đóng góp hết sức mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Ban Liên lạc không chỉ tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của thành viên với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, đầy nghĩa tình như: truy tìm hài cốt liệt sỹ của ngành; theo dõi, thăm hỏi tình hình sức khỏe đồng chí, đồng đội; giúp đỡ các gia đình neo đơn, khó khăn vươn lên trong cuộc sống; từ năm 2016, phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời ủng hộ và bàn giao 2 căn nhà tình nghĩa mỗi năm để hỗ trợ cán bộ Tuyên huấn Khu 8 chưa có nhà ở ổn định (trị giá 120 triệu đồng); qua 14 lần tổ chức họp mặt đã biên soạn và phát hành 4 tập kỷ yếu của Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8; phối hợp với Ban Tuyên giáo các tỉnh đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư tưởng - Văn hóa” cho nhiều cán bộ Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8...

Truyền thống 16 năm xây dựng và phát triển của Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hiện nay được Ban Tuyên giáo các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Long An và Bến Tre kế tục, sẽ tiếp tục tồn tại và được lưu giữ như một tài sản quý giá trong hành trang của các thế hệ làm công tác Tuyên giáo hôm nay và mai sau.

Năm tháng qua đi, chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, nhưng những cống hiến, hy sinh của các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa Khu ủy Khu 8 sẽ mãi mãi trường tồn trong tâm thức của bao thế hệ, đó là động lực để ngành Tuyên giáo các tỉnh tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Đối với Đồng Tháp, công tác Tuyên giáo đã và đang góp vào những thành tích chung của Đảng bộ và nhân dân trong suốt chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Tự hào về quá khứ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp luôn quyết tâm đưa tỉnh nhà phát triển vào hàng khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh.

NGÔ THỊ THỦY

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn