Tự hào truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Cập nhật ngày: 19/12/2024 05:41:37
ĐTO - Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam không ngừng phát triển lớn mạnh, luôn tỏ rõ bản lĩnh của một đội quân cách mạng, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, xứng đáng là lực lượng chính trị đặc biệt, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta làm nên những chiến thắng vẻ vang, oanh liệt được ghi vào sử sách, tô thắm thêm truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Đại tá Nguyễn Hữu Cương - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (bìa trái) chủ trì kiểm tra bồi dưỡng cán bộ (Ảnh: Trung Thắng)
Chiến đấu, xây dựng và bảo vệ tổ quốc
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của QĐND Việt Nam được thành lập theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần (tỉnh Cao Bằng), tiêu diệt 2 tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch, thu vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của QĐND Việt Nam.
Tháng 4/1945, Đảng quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang cách mạng thành Việt Nam giải phóng quân. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam giải phóng quân cùng lực lượng vũ trang (LLVT) các địa phương và Nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (năm 1946), từ năm 1950 được gọi là QĐND Việt Nam và ngày 22/12/1944 được lấy làm Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Từ khi ra đời đến nay, QĐND Việt Nam đã làm nên những giai đoạn lịch sử hào hùng, từ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đến việc bảo vệ biên giới và tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế...
Đối với LLVT tỉnh Đồng Tháp, ngày 12/3/1945, Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Ngày 24/8/1945, Ban khởi nghĩa tỉnh được thành lập, quyết định lấy lực lượng du kích các huyện Cao Lãnh, Lấp Vò chi viện cho Sa Đéc khởi nghĩa giành chính quyền. Sáng ngày 25/8/1945 lực lượng du kích và quần chúng kéo về Sa Đéc giành chính quyền. Chiều cùng ngày, sau khi làm chủ hoàn toàn tỉnh lỵ Sa Đéc, Tỉnh ủy quyết định thành lập Đại đội đầu tiên, đồng thời thành lập Ủy Ban Quân sự (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh ngày nay) để lãnh đạo chỉ huy công tác quân sự và ngày 25/8/1945 được chọn là ngày thành lập LLVT tỉnh Đồng Tháp.
Trung đoàn bộ binh 320 huấn luyện điều lệnh cho chiến sĩ mới (Ảnh: Trung Thắng)
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới, LLVT tỉnh Đồng Tháp tiếp tục xây dựng, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu cao, làm tròn chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), quản lý nhà nước về quốc phòng, tham gia củng cố, xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, địa bàn biên giới. Đồng thời tích cực tham gia các chương trình giảm nghèo, xây dựng các khu kinh tế mới, kinh tế kết hợp quốc phòng, phòng, chống thiên tai, cháy rừng, lụt bão, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân, giải quyết tốt chính sách hậu phương quân đội, nhất là gắn bó máu thịt với Nhân dân, phát huy phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”.
Với sự đồng tâm, nhất trí, đoàn kết, phấn đấu của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, cùng sự giúp đỡ của các cơ quan ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân đã giúp LLVT tỉnh tạo được sự chuyển biến cơ bản trên nhiều mặt, nhất là tập trung củng cố LLVT tỉnh, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, không ngừng nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, phòng thủ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Sự lớn mạnh của LLVT tỉnh đã góp phần đáng kể cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh thực hiện ngày kỹ thuật (Ảnh: Trung Thắng)
Ngày hội quốc phòng toàn dân
Xuất phát từ vai trò của công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn dân tham gia xây dựng nền QPTD vững mạnh, đồng thời theo nguyện vọng của quân và dân cả nước, ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI đã ra Chỉ thị số 381-CT/TW quyết định lấy ngày 22/12 - Ngày thành lập QĐND Việt Nam là Ngày hội QPTD. Ngày 22/12/1989, lần đầu Ngày hội QPTD được tổ chức tại tất cả các địa phương trong cả nước. Từ đó đến nay, ngày 22/12 đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân tộc với các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội.
Lấy ngày 22/12 là Ngày hội QPTD là sự kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc giữ nước của dân tộc ta qua các giai đoạn lịch sử; là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước; tiếp tục khẳng định quan điểm toàn dân tham gia xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trong đó LLVT nhân dân làm nòng cốt. Đây thực sự là ngày hội của truyền thống dựng nước và giữ nước, ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.
Ngày hội QPTD là dịp để tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân trong tham gia xây dựng nền QPTD vững mạnh gắn với thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, cổ vũ, động viên toàn dân chăm lo xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh trên từng địa phương, xây dựng QĐND Việt Nam hùng mạnh trong tình hình mới.
Hằng năm, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã có rất nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo để tổ chức kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và Ngày hội QPTD như: mít tinh, hội thảo, hội nghị đoàn kết quân - dân, ngày hội văn hóa quân - dân, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng; tổ chức gặp mặt, giao lưu, nói chuyện truyền thống, thăm hỏi động viên các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao, hội thao quân sự trong LLVT nhân dân; xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết tặng các đối tượng chính sách; tham gia xây dựng, tu sửa, tôn tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, đền thờ liệt sĩ; tổ chức dâng hương, tri ân các anh hùng, liệt sĩ...
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức huấn luyện Dân quân Binh chủng
Các cấp, các ngành, cấp ủy và chính quyền các địa phương đã chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, gắn với xây dựng và phát triển tiềm lực quốc phòng, an ninh qua các chương trình, các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia xây dựng và củng cố quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương vững mạnh. Thông qua đó, “thế trận lòng dân” ngày càng được củng cố vững chắc, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 35 năm Ngày hội QPTD là dịp để ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, bản chất, truyền thống tốt đẹp, những chiến công oanh liệt của Quân đội và Nhân dân ta; qua đó, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách; ra sức xây dựng nền QPTD vững mạnh, xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong những năm tới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Thanh Trúc (Lược ghi)