Ké đầu ngựa: Thuốc quý dễ tìm

Cập nhật ngày: 01/11/2015 04:26:24

Ké đầu ngựa được đông y gọi là thương nhĩ tử. Bộ phận dùng làm thuốc là quả. Loại cây này mọc hoang khắp nơi trên núi, bờ dậu, bờ sông, vườn nhà... Mùa thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 9. Loại quả khô, chắc, màu vàng sẫm, bên ngoài nhiều gai, bên trong có 2 nhân, nhiều dầu là loại tốt.

Cách chế làm thuốc: Thu hái về rửa sạch, phơi khô, sao cháy hết gai bên ngoài, xát bỏ vỏ giã dập. Ké đầu ngựa có vị ngọt hơi đắng, tính ôn, vào kinh phế; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, phát tán, trừ phong. Điều trị các bệnh: cảm phong hàn (cảm lạnh), viêm xoang chảy nước mũi có mùi hôi, viêm mũi, viêm mũi dị ứng, quáng gà, mụn nhọt, sang lở, dị ứng nổi mày đay, phong thấp, chân tay tê mỏi. Liều dùng: Ngày từ 6-12 g, có thể dùng đến 40 g.

Theo nghiên cứu, ké đầu ngựa còn có tác dụng kháng vi sinh vật, hạ đường huyết, ảnh hưởng tốt đối với tim mạch, hệ thống huyết dịch, chống viêm và trấn thống (giảm đau). Vị thuốc này còn có tác dụng tốt đối với hệ hô hấp, chống ôxy hóa. Xin giới thiệu dưới đây một số bài thuốc có vị ké đầu ngựa:

- Bài thuốc chữa dị ứng: Ké đầu ngựa 15 g, khổ sâm 8 g, hoàng cầm 8 g, chi tử 8 g, phòng phong 8 g, cam thảo 4 g, sinh địa 12 g...

- Bài thuốc chữa mụn nhọt: Ké đầu ngựa 12 g, sài đất 16 g, bồ công anh 12 g, kim ngân hoa 12 g...

- Bài thuốc chữa viêm xoang: Ké đầu ngựa 12 g, bạc hà 6 g, thương truật 8 g, kim ngân hoa 12 g, bồ công anh 12 g,  cam thảo 4 g... Nếu dùng cho trẻ em thì giảm số lượng tùy theo tuổi và sức khỏe của trẻ.

- Bài thuốc chữa thấp khớp: Ké đầu ngựa 16 g, độc hoạt 8 g, rễ cỏ xước 40 g, hy thiêm thảo 30 g, thổ phục linh 16 g, cỏ nhọ nồi 16 g, quế chi 12 g... và nhiều bài thuốc khác...

Cũng cần lưu ý rằng trong ké đầu ngựa có độc ở gai nên phải sao cháy loại bỏ hết gai. Thuốc đã bào chế chỉ dùng trong 30 ngày. Ngoài ra, những người mắc chứng huyết hư hay đau đầu không được dùng ké đầu ngựa.

BS Nguyễn Xuân Hướng (NLĐO)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn