Hiệu quả từ mô hình sản xuất lúa giảm giá thành

Cập nhật ngày: 24/11/2018 06:17:26

ĐTO - Sản xuất lúa giảm giá thành được xem là hướng mới giúp người nông dân nâng cao thu nhập, đầu ra ổn định, huyện Tháp Mười đã hình thành mô hình sản xuất lúa giảm giá thành thích ứng với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả khá cao.


Sản xuất lúa thông minh giúp ông Nguyễn Văn Khi giảm giá thành canh tác

Xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười là địa phương đầu tiên của tỉnh triển khai mô hình canh tác lúa thông minh giúp người nông dân giảm giá thành canh tác. Trong vụ đông xuân 2017 -2018, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 phối hợp với Công ty Rynan Smart Fetilizers (Trà Vinh) thực hiện thí điểm mô hình trồng lúa thông minh trên diện tích 7,6ha.

Điểm nhấn của mô hình này là nông dân sử dụng bón phân tan chậm một lần cho cả vụ kết hợp với các chế phẩm sinh học không gây độc hại, thực hiện sổ nhật ký ghi chép về quy trình canh tác. Đối với khu vực ngoài đồng, Công ty Rynan còn đặt hệ thống cảm ứng mực nước thông minh dùng năng lượng mặt trời giúp nông dân theo dõi mực nước cần và đủ cho từng thời kỳ sinh trưởng của cây lúa.

Ông Nguyễn Văn Khi - thành viên HTX Mỹ Đông 2 cho hay, quy trình sản xuất lúa thông minh chỉ sử dụng lượng giống từ 6-8kg/công, thay vì 12kg/công theo công thức truyền thống, đồng thời kết hợp với việc sử dụng thuốc sinh học, phân bón chậm tan... Dù năng suất lúa chỉ đạt 7 tấn lúa tươi/ha nhưng bù lại nông dân sẽ đạt thu nhập khá cao khi giảm được gần 50% chi phí sản xuất, giá lúa bán cho công ty cao hơn từ 400-500 đồng/kg so với phương thức canh tác thông thường.

Sau vài vụ triển khai, nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại cao, các xã viên HTX Mỹ Đông 2 đã mạnh dạn mở rộng diện tích áp dụng theo mô hình canh tác lúa thông minh. Đến nay, toàn HTX có khoảng 50ha canh tác lúa theo hình thức này. Trước sự hiệu quả của mô hình, UBND tỉnh Đồng Tháp đang quy hoạch vùng sản xuất lúa thông minh tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Đông 2 lên 170ha.

Ông Ngô Phước Dũng - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 cho hay: “Sản xuất lúa thông minh giúp sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, mô hình này còn giúp nông dân chủ động trong canh tác, tiết kiệm chi phí sản xuất thông qua việc sử dụng phân bón tan chậm, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và tưới nước tự động qua hệ thống cảm biến được điều khiển bằng điện thoại thông minh”.

Khi người nông dân không quyết định được giá bán thì việc sản xuất lúa giảm giá thành sẽ giúp người dân đạt lợi nhuận tốt hơn. Vì vậy, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Tháp Mười (xã Trường Xuân, Mỹ Quý, Thanh Mỹ, Đốc Binh Kiều) đã tích cực chuyển hướng sang sản xuất lúa giảm giá thành như áp dụng phân bón chậm tan, trồng lúa theo hướng hữu cơ...

Ông Đinh Minh Dũng – Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười đánh giá: “Sản xuất lúa giảm giá thành được xem là giải pháp canh tác hướng đến sự phát triển bền vững, giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập cũng như góp phần bảo vệ môi trường”.

Tuy nhiên để sản xuất lúa giảm giá thành phát triển, cần có sự tham gia của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào canh tác và hình thành thị trường tiêu thụ, nhưng hiện nay các yếu tố này chưa thể hiện rõ nét. Thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp tham gia mô hình, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp chia sẻ lợi ích trong chuỗi liên kết sản phẩm...

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn