Cảnh giác nạn tiền giả dịp cuối năm

Cập nhật ngày: 14/12/2019 05:51:49

ĐTO - Vào dịp cuối năm, nhu cầu mua bán diễn ra tấp nập, đây cũng là thời điểm các đối tượng tiêu thụ tiền giả tranh thủ “thoát hàng” bằng nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi. Người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh rơi vào trường hợp “dính” tiền giả khi giao dịch mua bán.


Tiền giả 200 ngàn đồng (phía trên) mà chị Trần Ngọc Thảo bị đối tượng tiêu thụ tiền giả trả khi giao nhận hàng

Chị Nguyễn Thị Nàng, một tiểu thương ở chợ Rạch Chanh (xã Mỹ Trà, TP.Cao Lãnh) cho biết, cách đây vài ngày, vào khoảng 5 giờ 30 phút sáng, một phụ nữ dùng tờ mệnh giá 500 ngàn đồng đến mua rau của chị, chị không có tiền thối lại nên người phụ nữ này dùng tờ 500 ngàn mua 5 tờ vé số của một bà cụ để được thối lại tiền nhỏ. Tuy nhiên, sau đó bà cụ bán vé số cảm thấy tờ 500 ngàn mà người phụ nữ trả trơn láng hơn tờ 500 ngàn bình thường nên lại nhờ chị xem thì phát hiện tờ 500 ngàn là tiền giả. Bà cụ bán vé số nhanh chóng tìm người phụ nữ để trả lại thì bà ta kiên quyết nói là tiền thật không chịu đổi lại. Nhưng khi bà cụ bán vé số đòi báo Công an thì người phụ nữ nhanh chóng trả lại tiền và lên xe chạy đi. Một trường hợp khác bị nhận lầm tiền giả là vợ chồng chị Trần Ngọc Thảo - chủ một tiệm ăn uống ở TP.Sa Đéc. Chị Thảo cho biết, trong lúc đi giao hàng, chồng chị đã bị trả tiền bằng tiền giả tờ 200 ngàn, anh nhận tiền nhưng không để ý kiểm tra, mãi đến tối về nhà kiểm lại tiền thì mới phát hiện.

Theo Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh), tình hình tội phạm tàng trữ và lưu hành tiền giả trên địa bàn tỉnh đang diễn biến khá phức tạp với rất nhiều thủ đoạn tinh vi. Trong đó, cách thông thường nhất là đối tượng xấu lợi dụng lúc trời tối hoặc nhá nhem tối, nơi thiếu ánh sáng để dùng tiền giả mua hàng và tiền giả thường có mệnh giá lớn mua những mặt hàng giá trị thấp để nhận lại tiền thật. Một số đối tượng còn dùng chiêu mua hàng có giá trị lớn rồi trả tiền bằng cách kẹp lẫn giữa tiền thật với tiền giả để người bán hàng không phát hiện được. Do bị hạn chế về khả năng quan sát nên người bán hàng không phát hiện được hành vi tiêu thụ tiền giả của các đối tượng. Cũng có trường hợp đối tượng lưu hành tiền giả vào ban ngày nhưng chúng trao đổi, giao dịch một cách nhanh chóng, mua hàng chớp nhoáng mà không cần mặc cả, rồi đi ngay nên khi người bán phát hiện ra thì chúng đã đi xa.

Các đối tượng thường chọn những nơi người bán hàng có trình độ thấp, ít có khả năng phân biệt giữa tiền thật và tiền giả hoặc những nơi đông người có khách vãng lai đến tham quan, du lịch. Các đối tượng sử dụng tiền giả thường không mang theo nhiều tiền để phòng trường hợp bị phát hiện thì lấy lý do không biết là tiền giả hoặc do nhầm lẫn.

Trung tá Hà Thái Học - Đội trưởng Đội An ninh kinh tế tổng hợp (Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh) cho biết, trong hoạt động phòng, chống tội phạm tiền giả năm 2019, lực lượng chức năng đã truy xét phát hiện 7 tờ tiền giả, trong đó có 3 tờ tiền giả polymer mệnh giá 500 ngàn. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng đã phát hiện và thu giữ nhiều tiền giả từ khách hàng đến giao dịch tại các ngân hàng thương mại và kho bạc trên địa bàn tỉnh. Tiền giả mà các đối tượng mua bán, tiêu thụ tiền giả lưu hàng chủ yếu là tiền polymer mệnh giá 500 ngàn và 200 ngàn.

Theo Trung tá Hà Thái Học, Điều 23 Luật Ngân hàng quy định các hành vi bị cấm gồm làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả; hủy hoại đồng tiền trái pháp luật... Bộ luật hình sự quy định rõ, người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm. Tội phạm trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 - 12 năm. Để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân nắm rõ các đặc điểm của tiền thật để hạn chế các rủi ro khi giao dịch, cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn của tội phạm buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ tiền giả; tích cực phối hợp với lực lượng Công an và địa phương đấu tranh đối với loại tội phạm này.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn