Đảm bảo các yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018

Cập nhật ngày: 12/03/2021 11:59:11

ĐTO - Căn cứ lộ trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), phòng chuyên môn xác định số lượng giáo viên (GV) cần đào tạo, bồi dưỡng từng năm để xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo GV phù hợp với kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, ngành GD&ĐT thực hiện các bước đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ yêu cầu đổi mới GDPT 2018.


Cán bộ quản lý cấp trung học cơ sở tham dự tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018

Năm học 2020 – 2021, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các đơn vị trường đã kiện toàn và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, GV cốt cán ở các cấp học làm nòng cốt trong công tác bồi dưỡng GV và triển khai chương trình GDPT 2018. Các đơn vị quản lý và đơn vị trường đã thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu GV của từng môn học, lớp học, cấp học để xây dựng kế hoạch sắp xếp, bố trí sử dụng, bổ sung đội ngũ GV. Cử GV tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng của Bộ GD&ĐT tổ chức đảm bảo tất cả GV cơ sở GDPT từng cấp học hoàn thành chương trình bồi dưỡng.

Trong học kỳ I, năm học 2020 - 2021, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và GV đại trà Module 1 “Tìm hiểu chương trình GDPT tổng thể và chương trình bộ môn” thuộc chương trình GDPT 2018; tập huấn quản lý hoạt động giáo dục khởi nghiệp cho hơn 300 GV; bồi dưỡng phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin. Đối với 400 GV cấp trung học còn được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy chương trình tiếng Anh 10 năm... Cán bộ quản lý và GV cốt cán Module 2, 3 của chương trình GDPT 2018; tổ trưởng chuyên môn về dạy học lớp 9 được bồi dưỡng định hướng phát triển năng lực theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Đồng thời rà soát, kiểm tra hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ thông tin chuẩn bị triển khai hệ thống đào tạo, bồi dưỡng GV qua mạng Internet của Bộ GD&ĐT; duy trì và sử dụng hiệu quả hệ thống mạng.

Thực hiện các bước đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ yêu cầu đổi mới GDPT, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT và các sở, ngành đã quy hoạch chi tiết mạng lưới trường học các cấp của tỉnh. Đồng thời tập trung nhiệm vụ tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Qua đó, mạng lưới trường học các cấp tiếp tục rà soát, sắp xếp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đảm bảo đáp ứng yêu cầu đổi mới GDPT. Cơ sở vật chất trường học tiếp tục được đầu tư theo kế hoạch đầu tư công của ngành thông qua các chương trình gồm: kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2016 - 2020; mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2017 - 2025.

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ngành, trong năm học 2020-2021 so với cùng kỳ năm trước, toàn tỉnh có 7 trường (2 trường THPT, 5 trường THCS) được đầu tư xây cơ sở vật chất đưa vào sử dụng với quy mô 46 phòng học, 82 phòng chức năng (phòng học bộ môn, hỗ trợ học tập, phụ trợ, khu thể thao). Tỷ lệ phòng học kiên cố cấp THCS đạt 86,95% và cấp THPT đạt 93,05%. Các cơ sở GDPT sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có và xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học thực hiện chương trình GDPT 2018 bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Hiện nay, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Tài Chính và các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện dự toán ngân sách, kinh phí thực hiện đổi mới chương trình GDPT 2018. Các trường phổ thông trong lộ trình đạt chuẩn Quốc gia, trường dạy 2 buổi/ngày và các trường xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ được đầu tư các trang thiết bị, phần mềm, tài liệu, sách tham khảo phục vụ dạy và học. Đồng thời thực hiện lộ trình dự án “Mua sắm thiết bị dạy học ngoại ngữ các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”.

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn