Đừng biến học sinh thành con chuột bạch

Cập nhật ngày: 30/07/2018 11:26:24

http://baodongthap.com.vn/database/video/2018073011294130-7 dung bien hs thanh chuot bach.mp3

ĐTO - Vụ việc sửa điểm thi trung học phổ thông (THPT) ở Hà Giang, vi phạm Quy chế thi ở Sơn La gây chấn động dư luận cả nước.

Không chấn động sao được khi điểm thi một số học sinh được nâng lên đến 8, 9 điểm bằng thủ đoạn gian dối.

Không chấn động sao được khi hàng trăm ngàn thí sinh miệt mài học tập với hy vọng có một tương lai tươi sáng thì con đường hoạn lộ của một số học sinh yếu kém bỗng dưng thênh thang trước mắt.

Không chấn động sao được khi một quy trình được xem là chặt chẽ đến con kiến cũng không chui được nhưng con voi to đùng vẫn có thể lọt qua.

Học sinh không có lỗi.

Lỗi là ở người lớn. Vì căn bệnh thành tích. Vì tư tưởng bằng cấp. Vì muốn con em mình không phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mà vẫn thong dong vào đời. Vì ma lực của đồng tiền, chức tước...


Ảnh minh họa. Ảnh: M.X

Xoay quanh câu chuyện chấn động này, lại có ý kiến cần xem lại phương thức “2 trong 1” trong kỳ thi THPT.

Còn nhớ, trước thực trạng học sinh và phụ huynh vừa trải qua kỳ thi THPT phải “tay xách, nách mang” đi thi đại học thì dư luận rộ lên chuyện phải cải cách thi cử. Trước khi tổ chức thi THPT theo phương thức “2 trong 1” năm 2015, đã có không ít hội thảo, diễn đàn bàn về cải cách thi cử ở Việt Nam.

Nhắc lại những chuyện đó để thấy rằng sự nghiệp trồng người luôn được xã hội quan tâm, để thấy ngành giáo dục, Đảng và Nhà nước ta luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân, với mong muốn giáo dục thật sự là quốc sách hàng đầu, chất lượng nền giáo dục nước nhà vươn lên ngang tầm khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, nếu dư luận xã hội không dưới một lần yêu cầu ngành giáo dục không biến học sinh thành “con chuột bạch” khi có những cải cách, thì sau vụ Hà Giang, Sơn La, không ít người, trong đó có cả chuyên gia, nhà khoa học kiến nghị tổ chức riêng kỳ thi THPT và đại học..., tức là quay lại phương thức thi cử trước đây.

Thực tiễn cho thấy, mọi chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước hoặc quyết định của tập thể, cá nhân đều xuất phát từ tình hình thực tế. Khi thực hiện, chủ trương, quyết sách, quyết định đó có thể không phù hợp, có sai sót do diễn biến không như dự báo hoặc do con người. Vì vậy cần tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp khắc phục.

Những sai phạm do người thực thi công vụ trong kỳ thi THPT ở Hà Giang, Sơn La cần phải lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm khắc. Đồng thời, những kẽ hở của Quy chế thi THPT cũng đã được phát hiện, cần có những đóng góp để khắc phục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ thi THPT thời gian tới.

Không chỉ vì những kẽ hở trong Quy chế thi và sai phạm của một vài cá nhân trong kỳ thi THPT năm 2018 lại đặt ra vấn đề xem xét lại những chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục đã được thể hiện trong Luật Giáo dục và Luật giáo dục đại học.

Khi những người lớn chúng ta gian lận hoặc tiếp tay cho gian lận trong thi cử, khi yêu cầu xét lại chủ trương, quyết sách thi THPT và xét tuyển đại học do sai phạm của người thực hiện, đã biến con em mình, những chủ nhân tương lai đất nước thành con chuột bạch.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn