Giáo dục phân luồng gắn với định hướng nghề nghiệp

Cập nhật ngày: 01/01/2020 09:53:20

ĐTO - Thực hiện công tác giáo dục phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho đối tượng học sinh THCS, THPT, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai các giải pháp cụ thể trong công tác tư vấn tuyên truyền, đồng thời tập trung cải tiến chương trình đào tạo, đầu tư, nâng cấp hệ thống các trường nghề, kết nối với các công ty, doanh nghiệp, xã hội hóa công tác đào tạo nghề theo nhu cầu.


Học sinh tham gia thi tuyển sinh lớp 10 THPT tại TP.Cao Lãnh

Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã tập trung thực hiện chương trình hành động, các nghị quyết về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT; các quyết định Quy hoạch chi tiết mạng lưới trường, lớp học; Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Đồng Tháp... Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố còn triển khai, thực hiện các kế hoạch như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp phối hợp với các đơn vị liên quan, địa phương, các trường THCS, THPT thực hiện công tác tư vấn, tuyên truyền các thông tin về học nghề, việc làm đến với học sinh. Sở GD&ĐT ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể đến các đơn vị trường, cơ sở giáo dục tập trung cho hoạt động hướng nghiệp và định hướng phân luồng. Toàn ngành GD&ĐT xem công tác giáo dục định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông là một trong những giải pháp hướng nghiệp, hỗ trợ học sinh phổ thông chọn các ngành nghề phù hợp với năng lực học tập, năng khiếu, điều kiện gia đình, nhu cầu xã hội.

Để định hướng cho học sinh có sự lựa chọn đúng đắn khi lựa chọn nghề nghiệp, trong các chương trình chính khóa, ngành GD&ĐT đã đưa hoạt động giáo dục hướng nghiệp, chương trình bộ môn công nghệ, chương trình nghề phổ thông vào chương trình học cấp THCS, THPT với thời lượng 9 tiết/năm học trong 2 học kỳ. Xây dựng và phát triển mô hình giáo dục thường xuyên trong các trường phổ thông. Đảm bảo chỉ tiêu được giao trong công tác tuyển sinh, phân luồng học sinh. Chủ động phối hợp, tổ chức các hoạt động truyền thông dành cho học sinh khối lớp 9, lớp 12. Tạo điều kiện đưa học sinh tham gia các lớp hướng dẫn kỹ năng, trải nghiệm thực tế... Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố đã tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng các nội dung về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông, từng bước thu thập, hình thành cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động và thông tin dữ liệu liên quan đến ngành, nghề, mô tả ngành, nghề thông tin tuyển dụng, dự báo nhu cầu nhân lực, cơ hội nghề nghiệp... Với sự hỗ trợ tốt của chính quyền địa phương, ngành lao động - thương binh và xã hội, các đơn vị trường, đội ngũ giáo viên, cộng tác viên, Sở GD&ĐT đã thực hiện hoàn chỉnh các dữ liệu thông tin khảo sát về nhu cầu học sinh có ý định tham gia học nghề, việc làm theo đúng định hướng phân luồng ở mỗi địa phương trong tỉnh. Mỗi năm học, công tác tuyển sinh, phân luồng theo chỉ tiêu được thực hiện đúng với các hướng dẫn, chỉ tiêu của từng địa phương. Các huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười, Tam Nông, Lai Vung, Châu Thành là một trong những địa phương có nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác giáo dục định hướng, phân luồng học sinh trong mỗi năm học.

Cụ thể, Phòng GD&ĐT các địa phương đã chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan, đề ra nhiều giải pháp tham mưu trong công tác quản lý, thực hiện đảm bảo tính toàn diện, thực chất và phù hợp với tình hình GD&ĐT. Đồng thời tập trung giao nhiệm vụ, thực hiện các chỉ tiêu quyết định đến việc nâng cao chất lượng giáo dục; các tiêu chí trường đạt chuẩn Quốc gia; kiểm định chất lượng, khảo sát đầu năm, đánh giá đúng học lực và hạnh kiểm của học sinh ở các cấp học, duy trì ổn định sỉ số học sinh. Sau phân loại, tùy theo học lực, hạnh kiểm, nguyện vọng sẽ có các giải pháp định hướng học sinh THCS, THPT chọn học nghề tại các trường nghề, giáo dục thường xuyên tại địa phương hoặc tham gia các lớp nghề sơ cấp, trung cấp, cao đẳng do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tổ chức. Năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo trình độ cao đẳng 1.110 người, trung cấp 2.903 người. Học sinh, sinh viên tham gia học nghề được hưởng các mức thu học phí hỗ trợ chi phí học tập, định mức chi hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên, học bổng theo quy định.

Nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, phân luồng học sinh THCS, THPT, hướng học sinh vào các hoạt động học tập, lựa chọn nghề nghiệp theo nhu cầu xã hội, Sở GD&ĐT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai, thực hiện các nội dung tư vấn, tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh học sinh. Vận dụng một số chính sách khuyến khích xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, kết nối với các đơn vị, công ty, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh hỗ trợ việc làm. Đồng thời đề ra các biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội, gắn với giải quyết việc làm; xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp; đầu tư trang thiết bị đào tạo đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

C.PHƯƠNG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn