Bảo vệ môi trường góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Cập nhật ngày: 19/12/2024 19:25:58
ĐTO - Trong thời đại hiện nay, bên cạnh những thành tựu kỳ diệu của nhân loại trong việc chinh phục tự nhiên, con người phải đối mặt với hàng loạt vấn đề về ô nhiễm môi trường, khiến cho bản thân thế giới tự nhiên dần mất đi khả năng tự hồi phục.
TS. Phạm Quốc Nguyên - Trưởng khoa Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường trình bày tại Hội nghị “Phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt góp phần bảo vệ môi trường”
Theo đó, sự suy thoái môi trường đang tiềm ẩn khả năng dẫn tới khủng hoảng sinh thái trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt, những nguyên nhân ấy chủ yếu do chính con người gây ra. Do đó cần nâng cao nhận thức của con người đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Một khi tất cả chúng ta nhận thức đúng đắn, thống nhất từ trong suy nghĩ, việc đồng thuận trong hành động bảo vệ môi trường sẽ dễ dàng và hiệu quả mang lại lớn hơn rất nhiều.
Môi trường tự nhiên là không gian sống của con người và sinh vật, trước hết là các nhu cầu tối thiểu về chất lượng không khí, đất, nước...; nơi cung cấp các nhu cầu về tài nguyên cho con người. Đây còn là nơi chứa đựng các chất thải phát sinh của con người trong quá trình sống, lao động và sản xuất. Tuy nhiên, chức năng chứa đựng chất thải của môi trường là có giới hạn. Khi con người vượt quá giới hạn này sẽ gây mất cân bằng sinh thái và ô nhiễm môi trường. Vì vậy, hoạt động bảo vệ môi trường là cần thiết nhằm hạn chế tác động xấu đến môi trường; cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, thời gian qua, Liên hiệp Hội chủ động phối hợp với Khoa Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Đồng Tháp tổ chức hội nghị chuyên đề “Lợi ích việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất nông nghiệp”. Theo đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả vừa bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, an toàn cho người sử dụng vừa giúp nông sản bảo đảm chất lượng sản phẩm và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Quan trọng hơn không phát thải dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường góp phần an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Để công tác bảo vệ môi trường đi vào thực tế, Liên hiệp Hội phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Đồng Tháp tổ chức Hội nghị chuyên đề “Phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt góp phần bảo vệ môi trường” trên địa bàn các huyện: Lai Vung, Lấp Vò, Thanh Bình và Châu Thành với sự tham dự của hàng trăm đại biểu là hội viên các hội quán, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nông dân trên địa bàn.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe TS. Phạm Quốc Nguyên - Trưởng khoa Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Đồng Tháp trình bày chuyên đề “Nâng cao nhận thức về rác thải nhựa, rác thải khó phân hủy, ứng dụng thực hiện tại cơ sở” và ThS. Nguyễn Lê Thụy Nhã Phương - Phó trưởng Phòng Quản lý môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp) trình bày chuyên đề “Nâng cao nhận thức về phân loại rác tại nguồn, ứng dụng thực tiễn tại cơ sở”.
ThS. Nguyễn Ngọc Thiều - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trình bày chuyên đề tại Hội nghị “Hiệu quả từ các mô hình nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Đồng Tháp”
Hội nghị này góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, thành viên các hội quán, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nông dân trên địa bàn tỉnh về phân loại rác tại nguồn đối với rác thải nhựa, rác thải khó phân hủy, góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Những năm gần đây, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong canh tác làm phá vỡ tính cân bằng của hệ sinh thái, gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe của con người. Là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo, thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp Đồng Tháp có bước phát triển mạnh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có như: quy mô sản xuất chạm ngưỡng; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản tương đối thấp; tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu theo chiều rộng...
Hiện nay, ô nhiễm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp đang ảnh hưởng không tốt đến môi trường tự nhiên. Những hậu quả của việc lạm dụng hóa chất tổng hợp trong sản xuất nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học khiến đất đai bị bạc màu, sâu bệnh hại phát triển tính kháng thuốc mạnh để thích ứng điều kiện áp lực chọn lọc cao trên đồng ruộng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái. Trong khi đó, việc canh tác theo hướng hữu cơ sẽ tạo môi trường tốt cho các vi sinh vật có lợi hoạt động; tăng cường vi sinh vật hữu ích, nấm đối kháng, tăng tính đề kháng cho cây trồng, gây ức chế cho hoạt động của vi sinh vật và nấm bệnh gây hại. Đứng trước thực tế đó, nhiều năm qua, Đồng Tháp triển khai mạnh mẽ việc sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm góp phần nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo cây trồng phát triển khỏe mạnh, không gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, cân bằng hệ sinh thái, tạo ra nguồn nông sản sạch đảm bảo sức khỏe và an toàn với con người.
Thành viên Hợp tác xã Trường Phát, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP giúp giảm phát thải khí nhà kính (Ảnh: Mỹ Nhân)
Đồng hành cùng sự phát triển bền vững, Liên hiệp Hội phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị chuyên đề “Vai trò của phân hữu cơ đối với cây trồng”. Tại hội nghị, các báo viên của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật làm rõ về thực trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng tỉnh Đồng Tháp, thực trạng thoái hóa đất và vai trò của phân hữu cơ đối với cây trồng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên, người nông dân trên địa bàn tỉnh về lợi ích của phân hữu cơ trong bảo vệ môi trường.
Infographic Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp lần thứ 18, năm 2024 - 2025
Trong thời gian tới, để góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, Liên hiệp Hội sẽ phối hợp với sở, ngành có liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường. Đồng thời tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề về môi trường nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và hội viên về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường.
Phạm Hòa