Khai quật tranh khảm La Mã 1.600 năm tuổi

Cập nhật ngày: 03/09/2019 05:36:59

Các nhà khảo cổ nghiệp dư phát hiện bức tranh khảm đá độc đáo về thần thoại Hy Lạp trên một cánh đồng ở làng Boxford, Berkshire, Anh.


Toàn bộ bức tranh cổ lần đầu lộ diện trên cánh đồng Anh. Ảnh: Sun

Nhóm khảo cổ, chủ yếu là tình nguyện viên của dự án Di sản Boxford, khai quật bức tranh khảm hình vuông với cạnh dài khoảng 6 m, viền rộng nửa mét gồm những viên ngói cắt vuông vắn, Sun hôm 1/9 đưa tin. Đây là tác phẩm duy nhất dạng này ở Anh. Trên thế giới cũng chỉ có hai bức tranh khác như vậy.

Bức tranh miêu tả các nhân vật trong thần thoại Hy Lạp. Pelops, cháu thần Zeus, tham gia cuộc đua xe ngựa để giành quyền kết hôn với công chúa Hippodamia, sau này trở thành vợ của Pelops. Anh hùng Hy Lạp Bellephoron cũng đang cưỡi con ngựa có cánh Pegasus.

Nhà khảo cổ Matt Nichol nhận xét, hình ảnh và tính biểu tượng của bức tranh rất đặc sắc. "Dự án này mang lại niềm phấn khích lớn. Tôi chưa từng bắt gặp điều gì như vậy trong các dự án mình tham gia", ông nói.

Các tình nguyện viên lần đầu phát hiện bức tranh này vào năm 2017. Tuy nhiên, họ che nó lại để nông dân tiếp tục sử dụng cánh đồng. Đây là lần đầu tiên việc khai quật toàn bộ bức tranh được thực hiện. Quá trình này kéo dài 10 ngày.

"Bức tranh khắc họa Bellerophon và Pegasus, nhưng phần chính là câu chuyện Pelops tham gia cuộc đua để kết hôn với công chúa Hippodamia. Vua Oenomaus nhận được lời tiên tri rằng con rể tương lai sẽ khiến mình mất mạng. Ông tổ chức đua xe ngựa với tất cả những người ứng tuyển, nhưng gây bất lợi bằng cách để công chúa ngồi trên xe họ. Người thua cuộc bị xử trảm, bêu đầu", Anthony Beeson, chuyên gia về kiến trúc Hy Lạp và La Mã, cho biết.

"Pelops thuyết phục Myrtilus, con trai thần Hermes, giúp thay một chiếc chốt kim loại trên xe ngựa của vua thành chốt giả bằng sáp, khiến bánh xe văng ra và vị vua mất mạng. Pelops chiến thắng nhưng lại giết Myrtilus. Trước khi chết, Myrtilus đã nguyền rủa con cháu Pelops. Nhiều ý kiến cho rằng cuộc đua ngựa của vua Oenomaus là khởi nguồn cho Olympic cổ đại", ông giải thích thêm.

Thu Thảo/VNE (Theo Sun)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn