NASA phóng vệ tinh laser tiên tiến nhất theo dõi băng tan

Cập nhật ngày: 17/09/2018 02:57:40

Vệ tinh mới nhờ được trang bị công nghệ vượt trội sẽ giúp thu thập dữ liệu băng toàn cầu với độ chính xác lớn hơn nhiều.

ICESat-2, vệ tinh laser tiên tiến nhất của NASA hôm qua đã được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Delta II từ căn cứ không quân Vandenberg ở California, Mỹ vào lúc 6:02 sáng theo giờ địa phương (tức 19:02 ngày 15/9 theo giờ Việt Nam). Vệ tinh nặng 500 kg và trị giá một tỷ USD này sẽ mang sứ mệnh theo dõi băng tan trên toàn thế giới, giúp cải thiện khả năng dự báo mực nước biển dâng khi khí hậu ấm lên, theo AFP.

Vụ phóng đánh dấu lần đầu tiên sau gần một thập kỷ NASA lại đưa thiết bị đo độ cao bề mặt băng toàn cầu lên quỹ đạo. Nhiệm vụ trước đó, vệ tinh ICESat, được khởi động vào năm 2003 và kết thúc vào năm 2009. Nhờ được trang bị những công nghệ mới nhất, vệ tinh ICESat-2 sẽ giúp thu thập dữ liệu với độ chính xác vượt trội hơn nhiều so với vệ tinh ICESat đời đầu.

ICESat-2 được trang bị hệ thống laser có tốc độ phóng tia đạt 10.000 lần/giây, cao hơn rất nhiều so với tốc độ 40 lần/giây của ICESat. Các phép đo sẽ được thực hiện ở mỗi 70 cm bề mặt băng dọc theo đường đi của vệ tinh. Mặc dù có cường độ mạnh, laser sẽ không đủ nóng để làm băng tan chảy khi bay ở độ cao gần 500 km so với bề mặt Trái Đất.

NASA cho biết vệ tinh ICESat-2 sẽ thu thập đủ dữ liệu để đánh giá sự thay đổi độ cao hàng năm của các dải băng ở Greenland và Nam Cực, ngay cả khi chúng chỉ dày 4 mm. Không chỉ đo chiều cao, laser còn có khả năng đo độ dốc của các tảng băng. Dữ liệu mà vệ tinh thu thập được sẽ giúp các nhà khoa học lập mô hình băng để hỗ trợ dự báo lượng băng tan và mực nước biển dâng trong tương lai. 

Sứ mệnh của ICESat-2 dự kiến kéo dài 3 năm, tuy nhiên nó có đủ nhiên liệu để hoạt động trong vòng 10 năm trong trường hợp các nhà quản lý quyết định kéo dài sứ mệnh của vệ tinh.

Đoàn Dương (VNE)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn