“Kỹ sư nông dân” với sáng chế máy chẻ củi

Cập nhật ngày: 07/03/2021 06:57:23

ĐTO - Nhiều năm qua, công việc chẻ củi, cưa củi thường tốn rất nhiều thời gian và công sức. Nhằm giảm nhẹ công lao động và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người sử dụng, “kỹ sư nông dân” Trần Công Trung ngụ xã An Phước, huyện Tân Hồng đã mày mò sáng chế ra chiếc máy chẻ củi.


Ông Trần Công Trung với sáng chế chiếc máy chẻ củi

Ngoài nghề nông, để kiếm thêm thu nhập, hàng ngày, tận dụng thời gian rảnh, ông Trung còn làm thêm nghề chẻ củi thuê nhằm cung ứng nhiên liệu đốt cho các chủ lò nấu truyền thống, bếp ăn... trên địa bàn huyện. Hàng chục năm qua, ông Trung phải vất vả chẻ những lóng cây, gốc cây thành củi để đủ số lượng đặt hàng. Có lúc để đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng gấp, ông Trung phải thuê mướn thêm nhân công.

Ông Trần Công Trung kể: “Những năm trước, lao động trong xóm nhiều, dễ thuê mướn phụ chẻ củi. Vài năm gần đây, đa số lao động đi làm công nhân ở các thành phố lớn nên việc thuê mướn nhân công gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc chẻ củi cũng không mấy dễ dàng khi gặp loại gỗ cứng như me, điều, vú sữa, xà cừ. Đặc biệt là những cây bị u nần, xớ bện chằng chịt sẽ mất nhiều thời gian để xử lý hơn. Với lại, mỗi ngày, sức người chỉ chẻ khoảng 2 - 3m củi, không thể nhiều hơn. Từ thực tế khó khăn này, tôi muốn chế tạo ra một loại máy giúp giảm nhẹ công lao động trong việc chẻ củi”.

Khi ý tưởng được hình thành, ông Trung dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm kiếm thông tin, hình ảnh về loại máy chẻ củi. Qua tìm hiểu, ông Trung thấy ở các nước tiến bộ có những sáng chế máy cắt cành, máy chẻ củi thủy lực... Thế nhưng, giá thành cho những chiếc máy đa năng này rất đắt tiền và không phù hợp với công việc thực tế tại địa phương. Vì vậy, ông Trung tiếp tục suy nghĩ, phác họa chi tiết chiếc máy đơn giản theo phương thức thủy lực nhưng đảm bảo hiệu quả cao.

Sau khi thiết kế xong mẫu mã, ông Trung bắt đầu đi tìm những nguyên vật liệu liên quan để lắp ráp chiếc máy theo đúng bản vẽ. Sau hơn 6 tháng lắp ráp, vận hành thử, chỉnh sửa, cuối cùng chiếc máy chẻ củi được hình thành. Ông Trần Công Trung chia sẻ: “Máy chẻ củi có kết cấu đơn giản với 3 bộ phận chính: mô-tơ kéo, bơm thủy lực, tia máy gắn lưỡi búa. Khi vận hành, máy sẽ truyền điện năng qua mô-tơ truyền động giúp bơm thủy lực kéo tia máy di chuyển lên xuống. Lúc này, lưỡi máy trên tia máy sẽ nhận lực đập để ép chẻ củi. Cùng với đó, hộp phân phối có tác dụng chia nhớt qua tia máy để giảm bộ ma sát và hoạt động dễ dàng. Tuy sở hữu tính năng khá tiện lợi nhưng chi phí sản xuất cho chiếc máy chỉ khoảng 10 triệu đồng. Khi vận hành máy, trong vòng 8 tiếng có thể chẻ 18 - 25m củi, tăng gấp 5 lần so với cách làm thủ công trước kia...”.

Là một trong những khách hàng thường xuyên sử dụng củi của ông Trung, ông Phùng Văn Xiểm ngụ xã An Phước, huyện Tân Hồng cho biết: “Chiếc máy chẻ củi ra đời đáp ứng nhu cầu sử dụng, giảm giá thành giúp người sử dụng tiết kiệm chi phí sản xuất”.

Việc sáng tạo ra chiếc máy chẻ củi của ông Trần Công Trung mang lại tiện ích thiết thực trong đời sống hàng ngày của người dân nông thôn vùng biên giới Tân Hồng. Đặc biệt, điều mà người dân nơi đây trân quý ông Trung hơn chính là sự truyền đạt và chia sẻ kinh nghiệm, không giấu nghề cho những ai muốn học hỏi để sáng chế ra chiếc máy chẻ củi.

TRANG HUỲNH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn