Khai thác giá trị cây sen

Cập nhật ngày: 03/03/2021 15:45:26

ĐTO - Sen là một trong những sản phẩm thế mạnh của Đồng Tháp. Hướng đến khai thác giá trị của ngành hàng này, UBND tỉnh cùng các cấp, các ngành hỗ trợ đưa các hoạt động sản xuất sản phẩm từ sen phát triển ổn định...


Bột sữa sen của Hợp tác xã Sen Việt

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh diện tích trồng sen hiện có 1.252ha với sản lượng 1.088 tấn. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, phong phú phục vụ tốt cho 21 cơ sở sản xuất chế biến sen, qua đó cung ứng cho thị trường 41 mặt hàng chế biến từ sen. Trong đó, có 29 sản phẩm OCOP, đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất của ngành trên địa bàn, thúc đẩy kinh tế địa phương.

Theo Sở Công Thương, các sản phẩm chế biến từ sen gồm: tinh dầu sen, sữa sen, hạt sen sấy, trà lá sen, tim sen, gạo lức hạt sen... với sản lượng sản xuất bình quân hàng năm trên 61 tấn sản phẩm từ sen, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Trên tinh thần từng bước hoàn thiện các sản phẩm chế biến từ sen, các cơ sở, doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng, cải tiến đa dạng mẫu mã, phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển du dịch của địa phương.

Nhận thấy địa phương sở hữu nguồn nguyên liệu dồi dào nên chị Hồ Thị Diễm Thúy – chủ Cơ sở sữa sen Diễm Thúy 2 (thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười) hướng đến khai thác giá trị cây sen với sản phẩm sữa hạt sen. Sữa sen của Cơ sở Diễm Thúy 2 là sản phẩm có mùi thơm đậm đà của hạt sen, vị ngọt thanh, không sử dụng chất bảo quản.

Chị Diễm Thúy cho biết: “Không sử dụng chất bảo quản có thể khiến sản phẩm có hạn sử dụng khá ngắn. Tuy nhiên, cơ sở vẫn lựa chọn hướng đi này với mong muốn giới thiệu với người tiêu dùng sản phẩm sữa sen chất lượng, góp phần nâng cao giá trị nông sản quê hương”. Nhằm chinh phục người tiêu dùng, Cơ sở sữa sen Diễm Thúy 2 còn tìm tòi, nghiên cứu tạo ra sản phẩm sữa sen bột với hạn sử dụng dài hơn, thuận lợi trong khâu pha chế, làm quà biếu.

Tuy nhiên, trong hoạt động sản xuất sản phẩm từ sen còn những hạn chế nhất định. Hiện nay, các chủ cơ sở ngành nghề nông thôn còn tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa liên kết chặt chẽ với nhau. Điều này gây khó khăn trong xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ và quảng bá sản phẩm... Mặt khác, khả năng xúc tiến thương mại của làng nghề nông thôn còn yếu, chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm đặc trưng. Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở, doanh nghiệp chưa thật sự bền vững...


Sản phẩm nón lá sen của Công ty Khởi Minh Thành Công

Theo Sở Công Thương, nhằm nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen, cần phục hồi và phát triển nguồn nguyên liệu. Theo đó, thí điểm và phát huy mô hình trồng sen theo hướng an toàn, định hướng hữu cơ. Cần có chính sách chuyển đổi từ lúa sang sen, hoặc xen canh lúa-sen theo từng khu vực để đảm bảo có nguồn nguyên liệu sen. Đồng thời chuẩn hóa sản phẩm ngành hàng sen tham gia chương trình OCOP (xây dựng thương hiệu, câu chuyện sản phẩm, hoàn thiện bao bì...), đẩy mạnh xúc tiến thương mại; đa dạng hóa sản phẩm tạo giá trị đặc thù riêng như tinh dầu sen, trang sức về sen, tơ sen..

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn