“Mô hình thí điểm sản xuất luân canh lúa sen an toàn” giúp nông dân ổn định sản xuất
Cập nhật ngày: 08/08/2019 05:37:01
ĐTO - Giúp nông dân ổn định sản xuất và yên tâm gắn bó với cây sen, Hội Nông dân huyện Tháp Mười phối hợp với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (gọi tắt là IUCN) thực hiện “Mô hình thí điểm sản xuất luân canh lúa sen an toàn”. Bước đầu cho thấy, mô hình giúp nông dân trồng sen nâng cao thu nhập và giảm thiểu được tỷ lệ sen bị nhiễm bệnh thối ngó và chạy dây hiệu quả.
Nông dân phấn khởi khi bệnh thối ngó, chạy dây trên cây sen bước đầu được kiểm soát
Mô hình sản xuất lúa sen an toàn được thực hiện thí điểm trên diện tích 22ha ở xã Tân Kiều. Mô hình thực hiện trong vòng 7 tháng và được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, nông dân được hướng dẫn thực hiện mô hình trồng sen an toàn kết hợp nuôi cá; giai đoạn 2, nông dân sẽ chuyển sang trồng lúa an toàn kết hợp nuôi cá. Mục tiêu của mô hình là góp phần giúp nông dân tại địa phương phát triển sinh kế bền vững trong mùa lũ, từ đó nâng cao thu nhập cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biển đổi khí hậu.
Mặc dù mới đi được hơn nửa quãng đường nhưng mô hình này được nhiều nông dân đánh giá cao khi giải quyết hiệu quả một số loại bệnh hại nguy hiểm trên cây sen như: bệnh thối ngó và bệnh chết dây.
Ông Nguyễn Thanh Tùng ngụ xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười là 1 trong 17 hộ tham gia mô hình cho biết: “Trước đây, bệnh chạy dây và bệnh thối ngó là hai loại bệnh làm cho nông dân ngán ngại nhất khi trồng sen. Trong vụ mùa này, nhờ làm theo hướng dẫn của các chuyên gia và sử dụng một số loại chế phẩm sinh học mà những ruộng sen của mô hình gần như không xuất hiện hai loại bệnh này. Hiện tại, các ruộng sen trong mô hình đang phát triển rất tốt, lên bông khá nhiều. Chúng tôi hi vọng với khởi đầu tốt đẹp này, mô hình sẽ tìm ra giải pháp xử lý triệt để hai loại bệnh nguy hiểm trên cây sen, giúp nông dân có thể yên tâm sản xuất hơn”.
Bà Nguyễn Thị Thúy - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tháp Mười thông tin: “Đến thời điểm hiện tại, mô hình này cơ bản được kiểm soát tốt tỷ lệ bệnh thối ngó và chạy dây trên tổng diện tích thực hện. Tỉ lệ bệnh giảm rất nhiều so với trước đây. Cụ thể, trước khi thực hiện mô hình, tỷ lệ nhiễm bệnh tại các ruộng sen trung bình từ 30 – 40%, thậm chí trên 50% thì hiện nay tỷ lệ này chỉ còn dưới 15%. Hiện nay, giá gương sen chỉ từ 8 ngàn – 9 ngàn đồng/kg nhưng sen trong mô hình không bị bệnh hại nên nông dân vẫn có lợi nhuận tốt”.
Mỹ Lý