Gạo Tâm Việt

“Tâm của người Việt - người đất Sen hồng”

Cập nhật ngày: 18/12/2015 13:30:02

Sau vài lần điện thoại, tôi gặp Tiếng (anh Võ Văn Tiếng ngụ ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự), chàng trai chủ nhân của thương hiệu gạo Tâm Việt.

Đường từ TX.Hồng Ngự, một khu đô thị còn nét tươi trẻ bên bờ sông Tiền trù phú, về bến phà Tân Châu, đến khu vực ngã tư đi về Thường Phước, đường đang mở rộng, bụi mù nhưng hứa hẹn những cung đường biên giới rộng rãi, thuận lợi cho biên mậu sau này.

Trên đường đi, tôi quan sát và thấy, cũng như Tân Châu, đây là vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long khi đổ vào Việt Nam, mùa lũ có khi nước dâng 4-5m so với mùa khô hạn. Nhà dân đa phần là nhà “cao cẳng”, nhìn thấy nhà lắp hệ thống cửa sắt kéo kiểu Đài Loan, thoạt nhìn thì nhà và cửa chẳng “ăn” gì nhau, trông hơi ngồ ngộ. Mới hiểu ra, trước đây, dù là miền biên tái, nhưng vẫn khá an toàn và nạn trộm cắp chưa hoành hành. Người dân Nam bộ vốn phóng khoáng cất nhà xong cứ để trống “vậy cho mát”.

Theo người dẫn đường, tôi qua cầu Út Gốc rẽ vào đường đất ngoằn ngoèo xung quanh là ruộng lúa bạt ngàn đang trong mùa con gái. Qua cầu khỉ, nhìn tận xa xa là trại ruộng của Tiếng, có thể phân biệt nhờ “hệ thống” đê bao nội bộ 2ha lộ rõ trên cánh đồng bằng phẳng.

Tiếp tôi trong căn chòi nhỏ, đủ những điều kiện sinh hoạt tối thiểu của một nông phu, Tiếng bộc bạch: Vùng đất này do lạm dụng quá nhiều phân thuốc nên đã bị nhiễm độc nặng nề, bằng chứng là lượng phân và thuốc sử dụng ngày có xu hướng tăng cao. Việc dùng phân, nhất là đạm quá nhiều sẽ làm gia tăng lượng sâu bệnh cho cây lúa. Tiếng phân tích: màu của lúa sẽ nói lên được sức khỏe của nó, lúa màu vàng chanh hơi đậm tí là vừa, màu xanh đậm là đã dư phân, mà ngặt nỗi, ure sẽ cho lúa có năng suất cao nhưng cây lúa lại dễ nhiễm bệnh.

Mô hình của Tiếng hiện vẫn đang dùng phân hóa học kết hợp với phân sinh học và sẽ giảm dần hàm lượng phân hóa học sau mỗi mùa vụ. Vấn đề xử lý bệnh và ốc thì ngoài 3 cử xịt thuốc vi sinh, Tiếng tận dụng tối đa tác dụng của thiên địch: cá thiên nhiên thả trong mương và đàn vịt để diệt trừ. Cỏ dại thì bơm nước để “nhận” xuống, còn lại thì nhổ bằng tay. Mương chứa nước, ngoài việc cách ly còn có tác dụng điều hòa dư lượng thuốc hóa học còn sót lại trong đường nước dùng chung.

Tôi hỏi Tiếng: Phải có thị trường đầu ra (xuất khẩu) ổn định, giá cao thì doanh nghiệp mới mua lúa sạch của nông dân giá cao được. Lần đầu tiên mắt Tiếng ánh lên sự bức bối: “Sao các chú cứ nghĩ đến chuyện đem cái an toàn, cái có lợi cho sức khỏe giống nòi đem đi bán, lại nhập khẩu những thứ không an toàn, đầu độc cho đất đai về nước mình cho dân xài mà không nghĩ tới thị trường nội địa với 90 triệu dân? Các chú làm được mà, cháu đâu có quen ai đâu, nhưng quyết tâm là làm được”. Gạo Tiếng bán không hề qua kiểm định dư lượng, chỉ trên chữ tín và lòng tin.

Tiếng cũng cho biết, nếu gạo sạch Tiếng bán tại địa phương thì với giá khoảng 14.000 đồng/kg là có lời rồi. Mong ước của Tiếng là thời gian tới sẽ mở rộng diện tích canh tác và người dân sẽ được dùng loại gạo sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Rời trại của chủ nhân gạo Tâm Việt, chàng trai 24 tuổi, dám bỏ cả nghề công nghệ thông tin để vào tận đồng sâu trồng lúa sạch, trong buỗi trưa cuối năm nắng như đổ lửa, tôi ngoái lại nhìn trại của Tiếng một lần nữa, bổng liên tưởng tới chuyện hiệp sỹ Don Kixote một mình một ngựa chiến đấu để bảo vệ công lý.

Qua cầu khỉ, đến chỗ để xe, tôi thấy một đoàn cán bộ của Tỉnh đoàn Đồng Tháp đang hỏi thăm đường vào trại của “Anh Tiếng trồng lúa sạch”.

Xin chúc ước mơ của chàng trai thành hiện thực. Đó là mong ước của tất cả người dân chúng ta, lớn lên bên gốc lúa, sao khỏi chạnh lòng khi mảnh đất màu mỡ quê mình ngày một ô nhiễm, ngày một bạc màu đi. Tôi chạy xe về lại Cao Lãnh mà lòng ngổn ngang nhiều điều.

Lúa sạch sẽ lên ngôi.

Minh Lễ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn