Biến nguy thành cơ - đẩy mạnh phát triển tăng tốc sau dịch
Cập nhật ngày: 11/04/2020 09:27:19
Là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về “Các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19”.
Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp
Được tổ chức vào ngày 10/4 tại Thủ đô Hà Nội, hội nghị trực tuyến với 30 điểm cầu truyền hình tại Trung ương và 63 điểm cầu tại địa phương. Tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, tham dự có Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa.
Hội nghị tập trung giải quyết 4 nội dung lớn: tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dịch Covid-19 đã và đang gây hệ lụy lớn đối với kinh tế toàn cầu. Tại nước ta, dịch Covid-19 tác động mạnh và sâu rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong quý I, GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,82%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011. Trước hết, các lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải, khách sạn, ăn uống, giải trí bị ảnh hưởng rất nặng nề, tiếp theo là các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và tiêu dùng.
Trước tình thế khó khăn như hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần phải có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thúc đẩy phục hồi kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh. Do đó, nhiệm vụ quan trọng là bảo đảm thực hiện nghiêm túc biện pháp, phòng, chống dịch Covid-19, không để lây lan và sớm khống chế được dịch bệnh. Không chỉ vậy, phải làm sao biến nguy thành cơ, sau dịch Covid-19 làm thế nào cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất to lớn vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.
Thủ tướng đề nghị với các Bộ, ngành, đặc biệt các địa phương đề xuất hiến kế cụ thể xem Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần sửa đổi các quy định pháp luật nào, cắt bỏ thủ tục hành chính nào để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh, mạnh, tận dụng cơ hội phục hồi thị trường sau dịch.
Nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho người dân và DN, Thủ tướng cho biết, có 2 gói chính sách về tiền tệ và tài khóa. Về gói chính sách tiền tệ (với tổng số 300.000 tỷ đồng), tinh thần là không để DN thiếu vốn tín dụng, tạo thuận lợi để DN tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cả khoản vay hiện có và vay mới, ngành ngân hàng cả nước đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn.
Về chính sách tài khóa, trong điều kiện kinh tế khó khăn, cần tập trung thực hiện hiệu quả kích cầu nội địa thông qua chính sách này. Đây là biện pháp các nước áp dụng rất rộng rãi. Gói giãn, hoãn thuế với tổng số tiền khoảng 185.000 tỷ đồng và 98% số DN sẽ được hưởng lợi.
Về triển khai gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đã bố trí khoảng 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
Đối với vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu giải ngân hết số vốn còn lại năm 2019 và số vốn của năm 2020; kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương không triển khai giải ngân vốn; tập trung vào giải ngân các dự án đầu tư về giao thông...
Tại tỉnh Đồng Tháp, trong những tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh trên thế giới và Việt Nam liên tục tăng cao. Cùng với cả nước quyết tâm đẩy lùi đại dịch Covid-19, Đồng Tháp đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đã ghi nhận 4/160 người về từ nước ngoài (du học sinh ở Anh) được phân bổ về cách ly y tế tập trung tại Đồng Tháp mắc bệnh Covid-19; chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng.
Tuy nhiên, các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách; nhiều lĩnh vực dịch vụ như: y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, giải trí, nhất là du lịch trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng.
Về sản xuất nông nghiệp, sản xuất vụ lúa đông xuân 2019 - 2020 đạt nhiều kết quả tốt, giá lúa tăng nhẹ giúp gia tăng lợi nhuận của người sản xuất. Tuy nhiên, do ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid-19 nên tình hình tiêu thụ các mặt hàng thủy sản, trái cây gặp nhiều khó khăn, giá bán các mặt hàng như: mít, thanh long, nhãn, xoài, ổi, ớt... giảm từ 50 - 70% so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát; giá cá tra nguyên liệu liên tục ở mức 18.000 đồng/kg, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước, các hộ nuôi chịu lỗ từ 3.600 - 4.100 đồng/kg, gây nhiều thiệt hại cho người nông dân và doanh nghiệp thu mua.
Để giảm thiệt hại, tỉnh Đồng Tháp chủ động kết nối với các siêu thị lớn, các công ty trong và ngoài tỉnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân (Siêu thị Big C, VinMart, Co.opmart, Công ty CP Ba Huân...) đẩy mạnh bán hàng trên các trang thương mại điện tử.
Về sản xuất công nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN vẫn được duy trì, các ngành công nghiệp chế biến chủ lực (xay xát gạo, chế biến thủy sản, sản phẩm sau gạo, bánh phồng tôm...)vẫn sản xuất ổn định do có nguồn nguyên liệu tại chỗ và đến kỳ thu hoạch (lúa và cá tra). Ước giá trị sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm đạt 13.500 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 2,52% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lượng tồn kho sản phẩm công nghiệp lớn, do dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại các quốc gia có quan hệ thương mại với Việt Nam nên các nhà máy giảm công suất sản xuất.
Hoạt động xuất khẩu chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh. Kim ngạch xuất khẩu quý I năm 2020 ước tính đạt 207 triệu USD (không tính xăng dầu tạm nhập, tái xuất), giảm 10% so với cùng kỳ. Ngành du lịch chủ động tạm đóng cửa một số điểm tham quan để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. So với cùng kỳ, lượng khách giảm 40% (khách quốc tế giảm 29%), doanh thu du lịch giảm 51%.
Nhằm chủ động đưa ra những phương án ứng phó kịp thời trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp Covid-19 đang lây lan nhanh ở nhiều quốc gia, UBND tỉnh Đồng Tháp đề ra nhiều giải pháp ứng phó như: tiếp tục chủ động rà soát, xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh kịp thời, thiết thực và hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19...
|
Mỹ Lý