Biogas - Giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững

Cập nhật ngày: 17/06/2016 11:07:26

ĐTO - Nhằm giúp người dân ở vùng nông thôn tiếp cận với mô hình khí sinh học và khắc phục tình trạng ô nhiễm trong chăn nuôi, thời gian qua, Hội Làm vườn tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai dự án “Phát triển Biogas theo định hướng thị trường tại Đồng Tháp”. Dự án đã tác động mạnh mẽ đến người chăn nuôi, từng bước phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.


Hộ gia đình ở nông thôn được tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo từ chất thải chăn nuôi

Là một trong những hộ gia đình được tiếp cận dự án, ông Phạm Hữu Chí ở xã Phương Thịnh (huyện Cao Lãnh) phấn khởi cho biết: “Mặc dù đàn heo chỉ hơn chục con nhưng đây lại là nguồn thu nhập đáng kể giúp gia đình trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, do chuồng trại chăn nuôi gần nhà nên thường xuyên có mùi khó chịu, gây ảnh hưởng vệ sinh môi trường cho gia đình và hàng xóm.

Nhờ một số người quen giới thiệu, gia đình tìm hiểu mô hình làm hố biogas bằng chất liệu composite, sau hơn 3 tháng lắp đặt, hiện tại hầm biogas của gia đình sử dụng rất tốt. Khí gas ổn định, lửa cháy xanh và không có mùi hôi khó chịu. Đặc biệt, trường hợp hầm có đầy thì khí gas vẫn không bị dội ngược lại, vì vậy không khí bên trong chuồng rất sạch sẽ và thông thoáng”.

Đối với nhiều hộ chăn nuôi ở nông thôn, do điều kiện chăn nuôi còn khó khăn nên việc đầu tư để xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi cũng không phải là điều dễ dàng, nhất là xây dựng hầm biogas phù hợp tiêu chuẩn. Nhằm tháo gỡ khó khăn và giúp nông dân phát triển chăn nuôi bền vững, góp phần đẩy mạnh thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, vừa qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp có hướng dẫn về thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Theo đó, mức hỗ trợ tối đa là 5 triệu đồng/công trình/hộ. Ngoài ra, từ dự án “Phát triển Biogas theo định hướng thị trường tại Đồng Tháp” do Hội Làm vườn Đồng Tháp phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cộng đồng nông thôn (CCRD) thực hiện mỗi hộ chăn nuôi sẽ được hỗ trợ thêm 1,5 triệu đồng/công trình để lắp đặt công trình xử lý chất thải trong chăn nuôi.

Chia sẻ về mục tiêu của dự án, ông Lê Văn Tâm - Chủ tịch Hội Làm vườn Đồng Tháp, cho biết: “Dự án sẽ được thực hiện trong 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2016 ) triển khai ở 4 huyện: Lai Vung, Châu Thành, Cao Lãnh, Lấp Vò, quy mô là 409 hầm; giai đoạn 2, dự án sẽ tiếp tục triển khai mở rộng ở huyện Thanh Bình, dự kiến sẽ triển khai 1.000 hầm.

Mô hình này không những giúp người dân ở nông thôn tiếp cận với nguồn năng lượng tái tạo, mà đây còn là những mô hình điểm để người dân học tập và nhân rộng trong cộng đồng. Đây là chương trình thiết thực được đông đảo người dân hưởng ứng, hiện tại Hội Làm vườn đang phối hợp với một số đơn vị liên quan để đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án”.

Việc áp dụng mô hình hầm biogas vào chăn nuôi mang lại không ít hiệu quả cho người sử dụng, đồng thời bảo đảm được vấn đề vệ sinh môi trường. Việc ứng dụng công nghệ khí sinh học bằng cách xây dựng, lắp đặt hệ thống hầm biogas là giải pháp hữu hiệu đối với hộ sản xuất chăn nuôi, không chỉ đem lại lợi ích trước mắt mà còn góp phần cho ngành chăn nuôi phát triển lâu dài, bền vững.

Biogas là khí sinh học do một số vi khuẩn phân giải kỵ khí chất hữu cơ tạo ra. Nguyên liệu cho sản xuất khí sinh học là chất hữu cơ, phân động vật, lá thân cây cỏ, nước thải, nước. Các nguyên liệu đó được ủ trong bể, túi kín kỵ khí để hình thành khí CH4 dễ cháy. Đây là một trong những giải pháp nhằm quản lý bền vững nguồn chất thải chăn nuôi cũng như chất thải sinh hoạt tại nông thôn. Lợi ích của nó mang lại là tạo nguồn năng lượng để thắp sáng, nấu nướng; chất cặn thải sau quá trình lên men dùng để bón cho cây trồng sẽ hạn chế được việc sử dụng phân hóa học.

Minh Nhật

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn