Cần siết chặt công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp

Cập nhật ngày: 18/07/2018 14:26:34

ĐTO - Tại hội thảo tư vấn và giải pháp quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều đại biểu cho rằng, VTNN là một nhu cầu tất yếu không thể thiếu được trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế đây là loại hàng hóa rất khó kiểm soát, khi có gần 5.000 loại có tên thương phẩm khác nhau và trên 1.700 hoạt chất trong thuốc bảo vệ thực vật.


Cơ quan chức năng các tỉnh cần đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp

VTNN là yếu tố đầu vào, có vai trò quan trọng và không thể thiếu để đảm bảo phát triển nông nghiệp hiệu quả. Chỉ tính riêng nhu cầu về phân bón cho cây lúa, ước tính mỗi năm, vùng ĐBSCL cần đến 400.000 tấn đạm, 200.000 tấn lân, 200.000 tấn kali.

Thời gian qua, hàng loạt các loại nông dược ra đời gây khó khăn cho nông dân khi nhận biết và lựa chọn thuốc phục vụ sản xuất. Trong khi đó, chưa kể đến người nông dân khó nhận biết được vật tư kém chất lượng. Theo báo cáo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, việc sử dụng phân bón giả, phân bón kém phẩm chất gây thiệt hại cho nền nông nghiệp Việt Nam khoảng 2 tỷ USD/năm.

Chia sẻ về vấn đề này, Th.S Hứa Chu Khem - Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Sóc Trăng thẳng thắn nhìn nhận: “Hiện nay, công cụ quản lý chất lượng VTNN còn kém hiệu quả, có nhiều bất cập, chồng chéo trong thủ tục xử lý. Ngoài ra, khung xử phạt hiện hành, một số mức phạt chưa đủ sức răn đe,...”.

Ông Bùi Hữu Soi - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Để tạo tính răn đe, các cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm tra chặt chẽ doanh nghiệp sản xuất VTNN, rút giấy phép những doanh nghiệp không đủ điều kiện, vi phạm các quy định trong sản xuất kinh doanh VTNN...”.

Ông Hà Bửu Khánh - Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đồng Tháp cho rằng, để quản lý chất lượng phân bón cần tập trung vào các yếu tố: luật pháp, năng lực của người dân, doanh nghiệp...

Hiện nay, Chính phủ cũng ban hành Nghị định về quản lý sản xuất kinh doanh phân bón, trong đó có điểm mới chính là “đưa phân bón vào nhóm hàng sản xuất kinh doanh có điều kiện”. Vì vậy, tổ chức, cá nhân muốn tham gia sản xuất kinh doanh mặt hàng này phải đáp ứng các yêu cầu về giấy phép, chứng minh năng lực sản xuất, trang thiết bị, nhà xưởng, các điều kiện về môi trường... Đây được xem là hành lang pháp lý quan trọng trong việc chấn chỉnh thị trường phân bón và xử lý những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Theo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, chất lượng VTNN là vấn đề cấp bách được xã hội quan tâm. Để có được sản phẩm VTNN an toàn, chất lượng, các địa phương cần phải tập trung đầu tư về nhân lực, kinh phí cho công tác quản lý đầu vào về chất lượng VTNN. Mặt khác, cơ quan chức năng các tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân nhận biết các loại VTNN kém chất lượng. Song song đó, vận động nông dân liên kết lại với nhau để kết nối doanh nghiệp sản xuất VTNN có uy tín cung ứng sản phẩm giúp giảm đầu mối trung gian, hạ giá trong sản xuất.

Hoài Minh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn