Phụ nữ Đất Sen hồng vượt khó khởi nghiệp
Cập nhật ngày: 17/07/2018 06:23:50
ĐTO - Từ hai bàn tay trắng, nhiều chị em phụ nữ vùng Đất Sen hồng đã nỗ lực vươn lên trong việc hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo của mình thông qua con đường khởi nghiệp.
Các gian hàng trưng bày sản phẩm tại diễn đàn “Phụ nữ Đất Sen hồng tự lực vươn lên, tự tin khởi nghiệp”
Chị Trần Thị Lan - chủ Cơ sở sản xuất khô, mắm Hùng Cường (xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự) là một trong những phụ nữ vượt khó vươn lên khởi nghiệp tiêu biểu của tỉnh.
Chị Trần Thị Lan sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên chưa bao giờ được tiếp xúc với con chữ, phần lớn kiến thức của chị có được chủ yếu tích góp từ kinh nghiệm cuộc sống. Sau khi lớn lên và lập gia đình, chị đã gắn bó với nghề nuôi cá lóc gần chục năm. Tuy nhiên, giá cá lóc bấp bênh, làm ăn bị thua lỗ khiến cuộc sống gia đình chị trở nên khó khăn. Trong cái khó ló cái khôn, với tay nghề làm khô của bản thân, chị Lan bắt tay vào làm khô cá lóc từ nguồn nguyên liệu sẵn có của gia đình. Ban đầu, chị Lan làm khoảng 10kg khô cá lóc để giới thiệu bạn bè, hàng xóm dùng thử. Bất ngờ hơn, sản phẩm khô của chị làm được nhiều người khen ngon. Đây là một trong những động lực để chị Lan quyết định gắn bó với nghề làm khô.
Ngoài khô cá lóc, cơ sở của chị Lan còn sản xuất thêm các sản phẩm khác như: khô cá sặc, nước mắm cá linh, mắm cá lóc, đu đủ mắm. Hiện tại, các sản phẩm tại cơ sở chị Lan tiếp cận được thị trường các địa phương trong toàn tỉnh, với lợi nhuận bình quân trên 20 triệu đồng/tháng. Ngoài tạo nguồn thu nhập cho gia đình, chị còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Cũng xuất phát điểm từ hai bàn tay trắng, chị Nguyễn Thị Diễm Thúy (Chủ cơ sở sản xuất sữa sen, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười) bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2016 sau nhiều năm lăn lộn với nghề thợ hồ.
Những ngày mới khởi nghiệp, chị Diễm Thúy gặp muôn vàn khó khăn như thiếu vốn, kinh nghiệm, máy móc..., nhưng với quyết tâm, nỗ lực, sự sát cánh động viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Mỹ An, cơ sở sữa sen của chị đã dần đi vào hoạt động ổn định. Sản phẩm sữa sen được phân phối khắp các địa phương trong huyện. Trung bình mỗi tháng, chị Thúy cung cấp cho thị trường trên 2.000 chai sữa, với lợi nhuận bình quân là 1.000 đồng/chai.
Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, từ năm 2017 đến nay, Đồng Tháp có hơn 300 chị em phụ nữ khởi nghiệp. Trong đó, có hơn 230 chị đã hiện thực hóa ý tưởng của mình với các sản phẩm bắt mắt và chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhận định: “Điều đáng ghi nhận ở các chị em phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đó là tinh thần vượt khó, sự nỗ lực vươn lên trong điều kiện khó khăn”.
Để tiếp tục hỗ trợ các chị em trong hoạt động khởi nghiệp, thời gian tới, Hội LHPN sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành tổ chức nhiều buổi tọa đàm, diễn đàn, giao lưu với các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế để các chị em tiếp cận với các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất nhằm giúp sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, giúp chị em nhận diện những khó khăn, thách thức nhằm chuẩn bị tốt hành trang và tâm thế để khởi nghiệp.
Đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong việc khai thác giá trị tài nguyên bản địa trên bước đường khởi nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Châu Hồng Phúc mong muốn phụ nữ tỉnh nhà hãy tự tin, thoát khỏi rào cản của chính bản thân để khởi nghiệp. Đồng thời khẳng định, tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng với phong trào khởi nghiệp của phụ nữ Đất Sen hồng bằng các chương trình, chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm kết nối, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm.
Thảo Vy