Lai Vung

Gắn sản xuất với tiêu thụ

Cập nhật ngày: 09/07/2018 15:51:13

ĐTO - Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN), huyện Lai Vung đã tập trung nhiều giải pháp hướng người nông dân sản xuất gắn với doanh nghiệp tiêu thụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới vào sản xuất... nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng nông sản.


Lai Vung có gần 500ha trồng hoa huệ

Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, huyện Lai Vung đã chọn 4 ngành hàng chủ lực để triển khai thực hiện TCCNN là: lúa, cây ăn trái, rau màu và hoa kiểng. Qua 4 năm thực hiện TCCNN, Lai Vung đã đạt một số kết quả nhất định. Trong đó, huyện linh hoạt trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ để giúp các ngành hàng phát triển. Qua đó đưa giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng từ 2.800 tỷ đồng năm 2014 lên đến 4.300 tỷ đồng năm 2017.

Đối với ngành hàng lúa gạo, huyện tập trung vào công tác tổ chức lại sản xuất, áp dụng các biện pháp giảm giá thành canh tác lúa, nâng cao tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao. Đồng thời, địa phương triển khai mô hình cánh đồng liên kết tiêu thụ lúa gắn với doanh nghiệp tiêu thụ tại xã Long Thắng (600ha) và xã Hòa Long (105ha).

Thời gian qua, địa phương còn vận động nông dân luân canh một số loại cây màu có giá trị cao như mè, dưa lê, đậu bắp Nhật, nấm rơm. Bên cạnh đó, huyện hình thành Tổ hợp tác (THT) sản xuất và tiêu thụ dưa lê, làm cầu nối thực hiện liên kết tiêu thụ với Công ty Hoàng Vinh và doanh nghiệp trái cây Hồng Huế. Theo đánh giá của huyện, mô hình liên kết này mang lại hiệu quả kinh tế cao, bình quân mỗi hecta dưa lê, nông dân thu lãi khoảng 100-150 triệu đồng. Đối với đậu bắp Nhật, người trồng lãi dao động từ 60-70 triệu đồng/ha.

Mô hình trồng nấm rơm trong nhà tiếp tục duy trì, phát triển với khoảng 65 nhà trồng nấm. Ngoài cung cấp cho thị trường truyền thống, người trồng nấm còn liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp Cỏ May với giá bán ổn định khoảng 57 ngàn đồng/kg. Mô hình này có ưu điểm vượt trội hơn so với trồng nấm ngoài trời do chủ động được nhiệt độ, ẩm độ có thể trồng quanh năm, chất lượng nấm đảm bảo an toàn. Bình quân, mỗi nhà trồng nấm, nông dân thu lợi nhuận khoảng 2 triệu đồng/tháng.

Cây ăn trái được xem là sản phẩm thế mạnh của địa phương, với diện tích canh tác khoảng 7.000ha, hàng năm cung ứng cho thị trường khoảng 140 ngàn tấn trái. Với mỗi hecta cây ăn trái, nhà vườn thu được lợi nhuận khá cao từ 100-800 triệu đồng/năm.

Nhằm giúp ngành hàng này phát triển, tạo sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, huyện mạnh dạn hướng dẫn nhà vườn thực hiện theo quy trình VietGAP với diện tích 220ha, tăng 200ha so với năm 2013, qua đó đưa sản phẩm quýt đường của huyện vào hệ thống siêu thị Vinmart.

Hướng đến phát triển mang tính bền vững hơn, địa phương còn quan tâm đến việc hình thành và củng cố các hợp tác xã (HTX), THT để làm liên kết tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái với doanh nghiệp. Hiện tại, THT quýt đường xã Vĩnh Thới tiếp tục duy trì việc liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco. Tính đến nay, công ty này đã thu mua cho THT khoảng 825 tấn trái gồm: quýt đường, cam soàn, mận, cam sành, quýt hồng. Riêng THT thanh long ruột đỏ xã Vĩnh Thới, HTX thanh long ruột đỏ xã Phong Hòa cũng đã thực hiện liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH Thạch Võ được gần 700 tấn.

Nhằm từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh trái cây của địa phương, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng nhãn hiệu cho 2 sản phẩm quýt đường, cam soàn huyện Lai Vung và thiết kế kiểu mẫu logo cho quýt hồng phục vụ việc xuất sang thị trường nước ngoài.

Hoa kiểng là ngành hàng giàu tiềm năng có giá trị kinh tế cao, giúp người nông dân tăng thu nhập. Hiện nay, diện tích canh tác hoa kiểng đã đạt gần 600ha, chủ yếu là trồng hoa huệ (chiếm gần 500ha). Mỗi hecta trồng hoa kiểng, nông dân thu lợi nhuận bình quân từ 200 - 250 triệu đồng.

Cơ giới hóa trong sản xuất cũng là một trong những hướng đi được địa phương quan tâm thực hiện. Hiện nay, nông dân huyện Lai Vung đã áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 100% diện tích gieo trồng, có đến 98% thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp cùng với áp dụng các biện pháp giảm giá thành đã giúp người nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất khoảng 4 triệu đồng/ha.

Không dừng lại ở việc phát triển sản xuất, địa phương còn đẩy mạnh khâu thu hút doanh nghiệp vào đầu tư nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khi sở hữu nguồn nguyên liệu dồi dào, Khu công nghiệp sông Hậu thuận lợi cho xuất nhập hàng hóa bằng đường thủy lẫn đường bộ. Huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án tại địa phương.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn