Cẩn thận với vay vốn tín dụng đen

Cập nhật ngày: 01/05/2018 07:27:38

ĐTO - Thời gian qua, tại các ngã ba, ngã tư trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thường thấy xuất hiện những người phát tờ rơi quảng cáo cho vay vốn tín dụng. Các địa điểm công cộng cũng bị dán đầy những tờ rơi quảng cáo về hình thức vay vốn không cần thủ tục phức tạp. Tuy nhiên, đằng sau những lời mời chào hấp dẫn này luôn ẩn chứa những cạm bẫy lãi suất “khủng” mà không phải ai cũng biết.


Tín dụng đen dán quảng cáo cho vay vốn trên các cột điện

Vay dễ, trả khó

Hình thức hoạt động của các tổ chức, cá nhân cho vay kiểu tín dụng này là thuê người đi phát, dán tờ rơi ở những nơi công cộng, nơi tập trung đông người (tờ rơi có kèm theo địa chỉ, số điện thoại liên hệ). Đối tượng “khách hàng” mà các tổ chức, cá nhân này nhắm đến là sinh viên, những người buôn bán nhỏ ít vốn, công nhân... đang cần tiền gấp.

Thông báo mời chào vay vốn của các tổ chức này thường được rao, dán khắp nơi tại nhiều địa điểm công cộng và qua cả tin nhắn điện thoại di động... nội dung quảng cáo cho vay rất hấp dẫn, như: “lãi suất thấp nhất, không cần tài sản thế chấp”; “thủ tục nhanh chóng, mau có tiền” hay “cho vay trả góp hàng ngày, cần tiền là có liền”... Để tạo niềm tin cho người vay, các tổ chức, cá nhân này tự giới thiệu là những “ông lớn” như: trực thuộc ngân hàng vốn nước ngoài, tập đoàn tài chính tín dụng ngân hàng, ngân hàng quốc tế, tổ chức tài chính phi chính phủ... nhưng không hề có tên tuổi của ngân hàng, địa chỉ cụ thể, trừ số điện thoại.

Khi phóng viên thử liên hệ với thuê bao 0169722... trên tờ quảng cáo, thì nghe phía bên kia giải thích: “Trực thuộc một tổ chức tài chính nước ngoài. Em chỉ cần để lại chứng minh nhân dân hoặc giấy phép lái xe rồi ký vào giấy vay, sẽ có tiền ngay. Lãi suất tùy số tiền, thời gian vay, chỉ chênh lệch chút xíu so với ngân hàng. Em cần thêm thông tin gì thì anh sẽ đến chỗ em để trao đổi trực tiếp”.

Nếu nhẩm tính: với mức lãi suất từ 4 - 7 ngàn đồng cho số tiền vay 1 triệu đồng/ngày, tương đương mức lãi suất 0,4 - 0,7%/ngày, thì lãi suất theo năm sẽ lên tới 144 - 252%/năm. Không chỉ phải chịu mức lãi suất “cao ngất ngưỡng”, sau khi đặt bút ký vào giấy vay, người vay sẽ thấy nhiều ràng buộc sẽ “ập” đến.

Như trường hợp anh Trần M.T. ngụ khóm 1, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung kể, anh đã trót vay của một người tự giới thiệu là thuộc tổ chức ngân hàng nước ngoài với số tiền 10 triệu đồng trong thời hạn 4 tháng, tức mỗi ngày anh phải góp 50 ngàn đồng lãi suất. Vì thế, từ lúc anh T. vay đến lúc trả xong trong thời gian 4 tháng, số tiền phải trả lãi hơn 7 triệu đồng. “Đây chỉ là một cá nhân cho vay chứ không phải tổ chức nào cả. Vì ngày nào cũng có người đến thu tiền lãi, cứ ngày nào có việc bận không đến được là lãi lại chồng lãi, đúng là dễ vay, khó trả”, anh T. nói.

Còn trường hợp anh Nguyễn T.V. ngụ phường Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh do cần gấp tiền để chữa bệnh cho con nên anh đã đi vay “tín dụng đen” 20 triệu đồng với thời hạn trả 3 tháng. Theo đó, nếu tính ra số tiền lãi lên đến 7 – 10 triệu đồng. Tính cả vốn lẫn lời thì số tiền phải trả khá cao. “Qua lần đó, tôi “sợ đến già”, không bao giờ nghĩ tới việc vay tiền kiểu này nữa” – anh V. cho biết.

Theo Công an tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay kiểu “tín dụng không hợp pháp” như: bắt giữ người trái pháp luật, cho vay lãi nặng, hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích... làm bị thương 4 người, tài sản thiệt hại khoảng 7 tỷ đồng. Trong đó, tập trung nhiều tại địa bàn TP.Sa Đéc, TP.Cao Lãnh, huyện Lai Vung, Lấp Vò, Tháp Mười. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 4 vụ, trong đó có 8 đối tượng phát tờ rơi cho vay tiền góp, đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 8 triệu đồng. Qua đó, đơn vị chưa phát hiện trường hợp đòi nợ thuê mang tính chất “xã hội đen” hoặc thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Cân nhắc khi đặt bút ký

Có thể thấy, thời gian qua, sự xuất hiện các loại hình cho vay tín dụng có thể giúp người dân bớt gặp khó khăn trong giải quyết công việc mang tính gấp rút, tức thời, nhưng đằng sau nó lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, thủ tục vay của các tổ chức, cá nhân cho vay tín dụng theo kiểu “dán cột điện”, “phát tờ rơi” hay “gửi tin nhắn chào mời” khá đơn giản, không đòi hỏi tài sản thế chấp mà các tổ chức cho vay tín dụng tung ra trong thời gian gần đây dần thu hút được lượng khách hàng, nhất là những đối tượng không đủ điều kiện vay vốn tại ngân hàng. Những vụ khiếu nại liên quan đến mức lãi suất quá cao của các khoản vay đã ít nhiều làm mất đi hình ảnh và uy tín của các tổ chức cho vay vốn hợp pháp. Không ít tổ chức vay tín dụng đã lợi dụng sự dễ dãi, thiếu hiểu biết để cài vào hợp đồng những điều khoản thiếu minh bạch, nhằm gây bất lợi cho khách hàng.

Để tránh rủi ro, người vay tiền nên thận trọng trước khi ký kết hợp đồng. Khi ký hợp đồng vay vốn, người vay nên cẩn trọng với những thông tin về thời hạn khoản vay, khoản trả góp hằng tháng, các quy định cụ thể của hợp đồng và chi phí phát sinh nhằm bảo đảm khoản tiền phải chi trả hằng tháng nằm trong khả năng tài chính của mình... Hiện còn không ít cơ sở lợi dụng kẽ hở của pháp luật cũng như sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết của người dân nhằm thu lời bất chính. Chính vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh sập bẫy tín dụng mà các đối tượng xấu cố tình giăng ra.

Theo đó, khi tổ chức, cá nhân muốn cho vay phải có chức năng kinh doanh tiền tệ và phải đảm bảo tuân thủ quy định của Nhà nước về lãi suất. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh ở lĩnh vực này phải có giấy phép của cơ quan chức năng vì kinh doanh tiền tệ là ngành kinh doanh có điều kiện. Nếu vay vốn ở các ngân hàng thương mại hay công ty tài chính thì người dân có thể được bảo vệ quyền lợi; khi có khó khăn, vướng mắc người dân có thể khiếu nại.

Trước tình hình manh nha phát sinh của hoạt động “tín dụng không hợp pháp” trên địa bàn, Công an tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động này. Đồng thời tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ngành, tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các chính sách liên quan đến tài chính, quy định của pháp luật về việc vay, huy động, sử dụng vốn an toàn; phương thức, thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi, hoạt động “tín dụng đen” để nâng cao ý thức tự phòng ngừa, thận trọng trong việc tiếp xúc trao đổi với các đối tác huy động vốn khi chưa nắm được thông tin chính xác; không hám lợi tham gia vào các giao dịch không rõ ràng.

Quan trọng hơn hết, Công an tỉnh cũng lưu ý các địa phương vận động người dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là hành vi phát tờ rơi cho vay, cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Ông Nguyễn Văn Quế - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Khi người dân có nhu cầu vay vốn nên trực tiếp đến các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để được nhân viên hướng dẫn về hình thức vay, lãi suất. Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã quy định rõ về trách nhiệm của các công ty tài chính phải công khai, minh bạch hoạt động cho vay để bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Thông qua hoạt động thanh tra, giám sát, Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát công ty tài chính, ngân hàng thương mại bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật. Đối với những phản ánh cụ thể của người dân, Ngân hàng Nhà nước sẽ đề nghị cung cấp các hồ sơ liên quan để đơn vị kiểm tra và có phản hồi cụ thể nhằm bảo đảm lợi ích của phía khách hàng”.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn