Sản xuất sạch hơn là một hành trình, không phải điểm đến
Cập nhật ngày: 01/05/2018 06:41:41
ĐTO - Sản xuất sạch hơn (SXSH) là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm, dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường. Nhiều năm qua, Đồng Tháp đã triển khai thực hiện các nội dung liên quan nhằm từng bước thực hiện hiệu quả Chiến lược SXSH trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhà.
Tham khảo các thiết bị sản xuất được giới thiệu tại hội thảo sản xuất sạch hơn do Sở Công Thương tổ chức
Từ những nỗ lực trong thực hiện chiến lược SXSH trên địa bàn tỉnh (tuyên truyền, phổ biến thông tin, hoàn thiện các mạng lưới các tổ chức hỗ trợ SXSH trong công nghiệp...), kết quả trong giai đoạn 2009 - 2018, Đồng Tháp có khoảng 85,5% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp; khoảng 72,2% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH và 70% cán bộ chuyên trách về SXSH có đủ năng lực tư vấn, hỗ trợ áp dụng SXSH cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Đáng ghi nhận là qua triển khai thực hiện, các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH đã tiết kiệm được từ 5 - 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm.
Theo Sở Công Thương, tổng kinh phí thực hiện Chiến lược SXSH của tỉnh giai đoạn 2009 -2018 là trên 8 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 75 triệu đồng, ngân sách địa phương là gần 1,6 tỷ đồng và doanh nghiệp đóng góp hơn 6,8 tỷ đồng. Trong 9 năm qua, Đồng Tháp tích cực tổ chức các chương trình hội thảo và tập huấn triển khai SXSH trên địa bàn tỉnh; tổ chức các chuyến tham quan, thực tế học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình SXSH. Ngoài ra, các ngành chức năng đã tiến hành khảo sát, thu thập số liệu về tình hình sử dụng năng lượng của 143 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với suất tiêu hao năng lượng cụ thể như: chế biến thủy sản (116-196 KOE/tấn sản phẩm), chế biến thức ăn thủy sản (46-68 KOE/tấn sản phẩm), sản xuất gạch bằng lò nung (266 ÷ 413 TOE/triệu viên), sản xuất gạch bằng lò đốt trấu cải tiến (137 ÷ 146 TOE/triệu viên).
Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược SXSH trong công nghiệp, Đồng Tháp đã triển khai 2 mô hình trình diễn về SXSH trong công nghiệp cho Công ty CP chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản CADOVIMEX II, Công ty CP Thủy sản Trường Giang (tại Khu công nghiệp Sa Đéc, TP.Sa Đéc). Qua 2 mô hình này đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được 30-40% năng lượng tiêu thụ, giảm phát thải CO2 ra môi trường.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược SXSH trong công nghiệp thời gian qua, các sở, ban, ngành tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực trong việc thực hiện tốt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương bố trí hàng năm để triển khai chiến lược SXSH còn thấp so với nhu cầu thực tế, chủ yếu tập trung thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nên kết quả đạt được chưa cao. Mặt khác, do đa số các doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính thấp, khả năng áp dụng các biện pháp kỹ thuật chuyên sâu còn hạn chế, chưa nhận thức đầy đủ về hiệu quả của việc áp dụng SXSH.
Thực hiện Chiến lược SXSH trong công nghiệp, theo kế hoạch trong 2 năm (2019 - 2020), Đồng Tháp sẽ tiếp tục phổ biến các chính sách hỗ trợ và các quy trình để doanh nghiệp triển khai SXSH đạt hiệu quả; nhân rộng các mô hình áp dụng thành công về SXSH trong công nghiệp... Dự kiến, kinh phí thực hiện Chương trình SXSH trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn này hơn 820 triệu đồng.
Đề xuất xây dựng Chương trình sản xuất sạch hơn cho giai đoạn năm 2020. Ông Lê Hữu Dư - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, tỉnh Đồng Tháp đề ra mục tiêu chung là khuyến khích, hỗ trợ và áp dụng rộng rãi SXSH cho tất cả các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thực hiện SXSH là một hành trình chứ không phải điểm đến, khi những đánh giá SXSH này kết thúc, đánh giá khác tiếp theo được bắt đầu để cải thiện hiện trạng tốt hơn nữa hoặc tiếp tục với cơ hội khác được lựa chọn. Đối với xây dựng Chương trình SXSH cho giai đoạn sau năm 2020 (giai đoạn 2020-2015), tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đạt các mục tiêu chủ yếu như: 95% cơ sở sản xuất công nghiệp được tuyên truyền, phổ biến và nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp, 60% cơ sở sản xuất công nghiệp tiết kiệm từ 8 - 13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên nhiên liệu trên đơn vị sản phẩm; 95% cơ ở sản xuất công nghiệp có tiềm năng áp dụng SXSH có cán bộ đủ năng lực phụ trách, áp dụng SXSH.
Các giải pháp SXSH không chỉ đơn thuần là thay đổi thiết bị mà còn là các thay đổi trong vận hành và quản lý của một doanh nghiệp. Theo Sở Công Thương, hằng năm, tỉnh sẽ chọn 3-5 cơ sở sản xuất điển hình để hỗ trợ các nội dung liên quan đến đánh giá tình hình SXSH và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả... Đặc biệt, tỉnh sẽ hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp lập dự án đầu tư và tiếp cận các quỹ hỗ trợ, nguồn vốn vay ưu đãi trong hỗ trợ đầu tư về lĩnh vực môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Thanh Hiền