Chủ động ứng phó với mùa khô 2019

Cập nhật ngày: 24/03/2019 05:04:44

ĐTO - Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình hình thời tiết năm 2019 có nhiều diễn biến cực đoan, đặc biệt có nhiều đợt nắng nóng kéo dài, lượng mưa thiếu hụt lớn so với cùng kỳ những năm trước. Trước tình hình trên, việc sản xuất nông nghiệp của Đồng Tháp cũng sẽ chịu nhiều tác động.

Phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về vấn đề này.


Ông Nguyễn Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp

PV: Thưa ông! Với tình hình diễn biến thời tiết gay gắt như năm nay, dự báo sẽ có những tác động tiêu cực như thế nào đến việc sản xuất và sinh hoạt với người dân tỉnh nhà?

Ông Nguyễn Thành Ngoan: Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Đồng Tháp, nhiệt độ cao nhất sẽ xuất hiện trong các tháng 3,4,5 năm 2019 và ở mức nhiệt 350C và 360C. Mùa khô năm 2018-2019 đến sớm hơn hàng năm khoảng 10 ngày. Mực nước các nơi trong tỉnh xuống thấp dần và xuống mức thấp nhất vào cuối tháng 5/2019, mực nước các nơi trong tỉnh ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 0,1 - 0,3m.

Tình hình nắng nóng và mực nước thấp trong mùa khô sẽ gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân. Thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, tình trạng di dân, do khó khăn về sản xuất và đời sống hàng ngày. Bên cạnh đó, tình trạng mực nước xuống thấp sẽ làm ô nhiễm môi trường, cây trồng bị giảm năng suất...

PV: Để giải quyết những điểm nóng về thiếu nước trong sinh hoạt và sản xuất, ngành nông nghiệp đã triển khai những giải pháp gì và kịch bản ứng phó ra sao, thưa ông!

Ông Nguyễn Thành Ngoan: Ngay từ đầu năm, ngành NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống hạn để bảo vệ sản xuất. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ giải pháp trọng điểm như: đảm bảo đủ nước tưới cho 223.380ha diện tích gieo trồng vụ hè thu 2019 (lúa 190.000ha; hoa màu cây công nghiệp ngắn ngày 33.380ha; 30.150ha cây lâu năm), 120.000ha lúa vụ thu đông và nhu cầu nước sinh hoạt của người dân.

Để chủ động trong công tác ứng phó với mùa hạn năm 2019, ngành nông nghiệp luôn theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu, mực nước trong mùa khô, rà soát, kiểm tra các công trình kênh mương, cống đập để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống hạn, bảo vệ sản xuất. Bên cạnh đó, ngành cũng tăng cường các biện pháp quản lý công trình thủy lợi theo phân cấp; quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát nước để cung cấp, phân phối nước hợp lý, hiệu quả.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng chỉ đạo các địa phương phải chủ động thời vụ xuống giống vụ hè thu, vụ thu đông năm 2019 theo lịch khuyến cáo của Sở NN&PTNT, chủ động bố trí lịch bơm tưới nước luân phiên, tưới tiết kiệm trong điều kiện nguồn điện phục vụ mùa khô có khả năng thiếu hụt. Đồng thời rà soát các vùng sản xuất, khuyến cáo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; đối với các vùng có khó khăn về nguồn nước, các địa phương hướng dẫn người dân chuyển từ trồng lúa sang trồng một số loại cây hoa màu thích hợp. Khuyến cáo sử dụng giống lúa ngắn ngày, giống chịu hạn, phù hợp với điều kiện từng vùng, địa phương.

Song song đó, các giải pháp công trình cũng được ngành chủ động lên kế hoạch triển khai từ khá sớm. Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 812 công trình tạo nguồn chính với chiều dài 4.038km. Trong đó, có 22 kênh trục, 215 kênh cấp 1 và 584 kênh cấp 2. Ngoài ra, còn có các kênh cấp 3 đến kênh nội đồng. Hệ thống thủy lợi này được duy tu nạo vét hằng năm đã đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong mùa khô.

Năm 2018 toàn tỉnh dự kiến nạo vét khoảng 300 công trình với chiều dài khoảng 300km, khối lượng nạo vét khoảng 1 triệu m3 với kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 800 tỷ đồng từ các nguồn vốn trung ương (bù thủy lợi phí, hỗ trợ đất lúa, ngân sách địa phương...).

PV: Xin ông cho biết, hiện nay ngành nông nghiệp đã có những mô hình chuyển đổi cây trồng vật nuôi nào phù hợp nhằm giúp người nông dân chủ động thích ứng với việc thiếu nước trong mùa khô năm nay?

Ông Nguyễn Thành Ngoan: Căn cứ kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2018-2020, dự kiến trong năm 2019 sẽ chuyển đổi trồng cây hàng năm (hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày) là 36.000 ha; cây ăn trái, cây công nghiệp lâu năm là 3.000ha.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích. Song song với việc chuyển đổi, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương cần phát triển diện tích cây hoa màu, cây ăn trái trên địa bàn tỉnh theo hướng tập trung thành các vùng có qui mô lớn. Trong đó chú ý trọng tâm vào những hoa màu có thế mạnh như: bắp, đậu nành, mè, ớt, khoai môn, khoai lang...

Song song đó, Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang sản xuất hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, giảm diện tích trồng lúa hè thu trên những vùng thiếu nước tưới, sản xuất lúa kém hiệu quả. Thời vụ xuống giống hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày các địa phương phải cân đối, bảo đảm sau khi thu hoạch kịp xuống giống lúa vụ thu đông để tránh lũ cuối vụ.

Ngoài ra, từ nguồn kinh phí khuyến nông tỉnh, huyện, thực hiện các mô hình chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng hiệu quả trong sản xuất bằng các hình thức tập huấn, xây dựng mô hình luân canh hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái trên đất trồng lúa, qua đó để khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích bắp, mè, ớt, khoai môn, cây hoa màu và cây ăn trái khác...

PV: Ông có thể thông tin về những khuyến cáo của ngành nông nghiệp với các địa phương để chủ động trong công tác phòng, chống hạn khi mùa nắng nóng đang bắt đầu?

Ông Nguyễn Thành Ngoan: Các địa phương nên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; kịp thời thông tin, dự báo tình hình mực nước, khí tượng, thủy văn để thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; kiểm tra, sửa chữa và đầu tư nâng cấp các trạm bơm để chủ động bơm tưới, kịp thời phục vụ sản xuất; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi.

Các địa phương cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất nông nghiệp của nông dân, đảm bảo hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu; tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp lịch thời vụ, đồng thời khuyến khích áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến cho cây lúa, cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao; phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi diễn biến tình hình, thông báo kịp thời cho các địa phương để có biện pháp ứng phó, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Đối với cấp xã, các hợp tác xã, tổ hợp tác dùng nước, ngành nông nghiệp cũng đề nghị chủ đường nước phối hợp với các đoàn thể, người dân thực hiện nạo vét kênh nội đồng, tháo dỡ các vật cản trên kênh, nạo vét các bể hút của máy bơm trong phạm vi quản lý để tăng hiệu quả bơm tưới, tu sửa bờ vùng, bờ thửa... nhằm hạn chế thất thoát nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mỹ Lý - Nhật Khánh (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn