Hợp tác xã nông nghiệp thích nghi với tình hình sản xuất mới

Cập nhật ngày: 20/03/2019 10:57:43

ĐTO - Nhằm thích nghi với tình hình sản xuất mới, các hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) trên địa bàn tỉnh mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, xây dựng những mô hình hay, thiết thực áp dụng vào canh tác.


Hợp tác xã giống nông nghiệp Định An cung cấp nhiều giống lúa chất lượng được thị trường ưa chuộng

Đến cuối tháng 2/2019, tỉnh Đồng Tháp có 208 hợp tác xã (HTX), trong đó chiếm số lượng lớn là các HTX NN. Tổng doanh thu năm 2018 của 120/151 HTX NN là 213 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân của mỗi HTX NN là gần 200 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Công – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hoạt động của các HTX NN của tỉnh thời gian qua có sự chuyển biến tích cực, xuất hiện nhiều HTX điển hình tiên tiến. Theo đó, các HTX đáp ứng cơ bản được nhu cầu sử dụng dịch vụ của các thành viên, phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách làm của bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết với doanh nghiệp. Qua đó, góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Thời gian qua, một số HTX trên địa bàn tỉnh chủ động trong việc tìm hướng đi mới, xây dựng nhiều mô hình độc đáo đáp ứng nhu cầu sản xuất theo hướng hiện đại. Là HTX NN quy mô toàn xã, diện tích phục vụ sản xuất là 713ha, HTX NN Tân Bình, huyện Thanh Bình thực hiện các dịch vụ, xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Mỗi năm, đơn vị cung ứng cho thị trường khoảng 2,2 triệu cây giống rau màu chất lượng cao, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn quốc tế SRP. Không chỉ vậy, HTX còn thực hiện dịch vụ sấy giữ lúa trong kho cho nông dân, đẩy mạnh công tác liên kết sản xuất tiêu thụ gạo với nhiều doanh nghiệp.

Ông Phan Công Chính – Giám đốc HTX NN Tân Bình chia sẻ: “Hướng đi chiến lược của HTX chính là sản xuất lúa theo quy trình an toàn nhằm thu hút doanh nghiệp tiêu thụ. Vụ đông xuân vừa qua, dù giá lúa có sụt giảm nhưng việc liên kết tiêu thụ giữa HTX và doanh nghiệp rất tốt, với tổng diện tích liên kết là 65ha”.

HTX giống nông nghiệp Định An, huyện Lấp Vò được thành lập vào năm 2012 với thế mạnh là nghiên cứu lai tạo ra nhiều giống lúa đặc sản chất lượng cho năng suất cao, bán được giá nên nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng... Trong đó, nổi bật là giống Ngọc Đỏ Hương Dứa, LD2012, Tím Sen, Tím Sữa, ND3, LV6...

Dịch vụ hoạt động chủ yếu là tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ xoài, HTX xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh còn tận dụng phương thức giao dịch thương mại điện tử để hình thành “Mô hình cây xoài nhà tôi”. Mô hình đầy tính sáng tạo, mới lạ góp phần đưa xoài Cao Lãnh tiếp cận với thị trường cả nước. Qua 2 năm hoạt động, HTX đã bán cho người tiêu dùng 224 cây xoài, mang về nguồn thu nhập cho các thành viên là 830 triệu đồng.

Từ mô hình “Cây xoài nhà tôi”, các HTX trên địa bàn tỉnh áp dụng hình thức này với các sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương như: “Mô hình ruộng nhà mình”, “Cam nhà tôi” đưa nông nghiệp sạch của Đồng Tháp đến tay người tiêu dùng cả nước. Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả tốt góp phần bảo vệ môi trường...

Hội quán nông dân được xem là “đặc sản” mà Đồng Tháp xây dựng, thực hiện đạt kết quả cao, được nhiều tỉnh bạn đến học hỏi kinh nghiệm. Hiện tại, toàn tỉnh có 64 hội quán nông dân được thành lập trên cơ sở hợp tác, tự nguyện của các thành viên. Đây là nơi để người dân, các nhà vườn có điều kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, phương thức làm ăn có hiệu quả và liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, nơi sinh hoạt cộng đồng. Qua 2 năm, có 12 HTX NN được thành lập từ 13 hội quán với tổng vốn điều lệ là 12 tỷ đồng.

Nhằm tiếp sức cho lĩnh vực này, Đồng Tháp còn là địa phương tiên phong trong việc thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác. Cụ thể như chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTX NN trên địa bàn tỉnh giai đoạn năm 2018-2020; chính sách hỗ trợ tích tụ tập trung đất đai áp dụng trong lĩnh vực trồng lúa, cây ăn trái; hỗ trợ phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

Trong dịp đến học tập, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực kinh tế tập thể (KTTT) của tỉnh, ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ấn tượng mạnh với những cách làm mới mẻ của Đồng Tháp trong phát triển KTTT như mô hình hội quán, tiên phong thực hiện các chính sách, những mô hình sáng tạo của các HTX. Với sự tương đồng về sản xuất nông nghiệp, Bắc Giang sẽ áp dụng những kinh nghiệm, sáng tạo của Đồng Tháp vào tình hình thực tế tại địa phương.

Theo Sở NNN&PTNT, bên cạnh sự phát triển, các HTX NN vẫn còn một số khó khăn như năng lực hoạt động của các HTX còn nhiều hạn chế; cơ sở vật chất kết cấu hạ tầng, trình độ quản lý của ban quản trị các HTX còn hạn chế. Ngoài ra, bà con nông dân vẫn còn canh tác theo tập quán, không theo quy trình nhất định nên chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp...

Theo Sở NN&PTNT, giải pháp phát triển KTTT trong thời gian tới chính là triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển 15.000 HTX. Đồng thời, đơn vị thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo tạo cầu nối để doanh nghiệp gặp gỡ trao đổi thông tin với các HTX, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình liên kết tiêu thụ giữa các bên.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tiếp tục giúp HTX tiếp cận chuỗi giá trị và triển khai đồng bộ kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển HTX NN. Trong đó chủ yếu thực hiện các chính sách tăng cường hỗ trợ công tác đào tạo cán bộ quản lý HTX, phát triển cơ sở hạ tầng, liên kết sản xuất tiêu thụ...

Theo ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh, liên kết sản xuất được xem là mô hình tất yếu. Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện, trong đó, phát huy tốt vai trò của các HTX, hội quán trong việc thực hiện liên kết với doanh nghiệp, giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn