Hướng đến sự phát triển bền vững ngành hàng cá tra
Cập nhật ngày: 13/03/2019 10:37:55
Năm 2018 được xem là năm thuận lợi đối với ngành hàng cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và Đồng Tháp nói riêng với sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Hướng đến sự phát triển bền vững ngành hàng này, năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ; nâng cao chất lượng con giống…
Chế biến cá tra xuất khẩu
Từ những tín hiệu khả quan
Theo số liệu từ Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), trong năm 2018, diện tích cá tra nuôi thương phẩm vùng ĐBSCL đạt khoảng 5.400ha (tăng 3,25% so với năm 2017), sản lượng đạt 1,42 triệu tấn (tăng 15% so với năm 2017). Tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre là 3 địa phương có sản lượng nuôi chiếm 72% sản lượng nuôi của cả nước.
Năm qua được xem là năm thuận lợi về giá cả cũng như thị trường xuất khẩu của ngành hàng cá tra. Ngay từ đầu năm, giá cá nguyên liệu đạt mức trung bình từ 29.500 - 29.800 đồng/kg, cao hơn năm 2017 khoảng 4.000 đồng/kg. Tháng 10/2018 là thời điểm giá cá nguyên liệu đạt mức đỉnh điểm, dao động từ 35.000 - 37.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ thủy sản Châu Thành (huyện Châu Thành) cho biết: “Trong năm qua, tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra luôn đạt mức có lợi cho người nuôi, hầu hết các hộ nuôi đều yên tâm”.
Với sự vào cuộc của các Bộ, ngành hữu quan, địa phương, doanh nghiệp (DN) trong việc chủ động tìm kiếm thị trường, các đơn hàng xuất khẩu cá tra cập bến đến 132 nước và vùng lãnh thổ, đạt hơn 873 ngàn tấn, tăng 26,5% so với năm 2017. Vào thời điểm đầu năm 2018, Trung Quốc và Hồng Kông là quốc gia nhập khẩu cá tra lớn nhất. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ vẫn giữ vai trò là thị trường định hướng khi kim ngạch xuất khẩu tăng 60%, EU giữ vị trí số 3 khi đạt 245 triệu USD, tăng 20% so với năm 2017. Qua đó, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra năm qua đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2017.
Theo ông Ong Hàn Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang, có thể nhìn nhận rằng, năm qua, thị trường Mỹ và Trung Quốc cùng các thị trường khác tăng mạnh nhu cầu tiêu thụ cá tra. Trong năm qua, đơn vị xuất khẩu hơn 34.000 tấn cá tra phi lê với kim ngạch đạt hơn 82 triệu USD, tăng 30% so với năm 2017.
Thực hiện chiến lược lâu dài cho ngành hàng cá tra, kiểm soát nguồn nguyên liệu an toàn cho người tiêu dùng, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường xuất khẩu, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) thực hiện giám sát chặt chẽ tồn dư hóa chất, kháng sinh trong cá tra nuôi. Qua kết quả kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của các DN chế biến cá tra cho thấy, các cơ sở cơ bản duy trì điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất cá tra.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, năm 2018, toàn tỉnh có 353 vùng nuôi cá tra thương phẩm xuất khẩu được cấp mã số nhận diện với diện tích mặt nước hơn 1.500ha, bao gồm 20 DN nuôi cá tra xuất khẩu, hộ nuôi cá thể. Trong đó, có trên 80% diện tích của hộ cá thể liên kết với các DN chế biến, DN sản xuất thức ăn với nhiều hình thức khác nhau như: nuôi gia công, khoán định phí, mua thức ăn và bán lại cá thương phẩm...
Ngành nông nghiệp khuyến cáo người nuôi cá tra nên thay đổi tư duy trước thách thức mới
Nhiều giải pháp phát triển bền vững
Với những tín hiệu tích cực từ sản xuất tiêu thụ, Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu phát triển ngành hàng cá tra năm 2019 đạt sản lượng 1,51 triệu tấn (tăng 6,6%), kim ngạch xuất khẩu trên 2,4 tỷ USD (tăng 12%). Để đạt được kế hoạch đề ra, Bộ NN&PTNT và các ngành hữu quan, địa phương, DN đề ra các giải pháp khai thác tiềm năng sản xuất cá tra thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung đầu tư phát triển cá tra đi vào chiều sâu để nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng bền vững...
Theo ông Ong Hàng Văn, hao hụt con giống hiện nay được xem là vấn đề khó khăn của DN sản xuất và chế biến cá tra. Do đó, trong thời gian tới, cộng đồng DN mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để giải bài toán hao hụt con giống, đưa ngành hàng cá tra ngày càng phát triển.
Nhằm khắc phục tình trạng con giống kém chất lượng, từ tháng 3/2016 đến ngày 31/12/2020, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (Bộ NN&PTNT) triển khai dự án “Sản xuất cá tra giống chất lượng cao” với tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng. Trong năm 2017 - 2018, dự án đã chọn tạo được 30.000 con cá tra hậu bị cỡ 1kg/con, có tốc độ tăng trưởng cao hơn 10% so với nhóm đối chứng và hơn 20% so với cá tra ngoài tự nhiên. Hiện nay, dự án đã chuyển giao cho DN và cơ sở sản xuất giống đủ điều kiện trên địa bàn các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre... Dự kiến, các đàn cá này sẽ sinh sản lần đầu vào năm 2020 khi đạt kích cỡ 5kg/con và thu được trên 1 tỷ cá giống/năm, đáp ứng 33% nhu cầu cá tra giống/năm.
Là một DN xuất khẩu cá tra lớn của cả nước, năm qua, Công ty CP Vĩnh Hoàn triển khai dự án sản xuất giống cá tra 3 cấp ứng dụng công nghệ cao tại An Giang. Theo bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn: “Dự án này sẽ ứng dụng công nghệ chọn lọc gen di truyền, công nghệ sinh học Biofloc trong xử lý nước nuôi, công nghệ nuôi Moina (trứng nước) làm thức ăn tự nhiên cho cá tra bột. Đồng thời, công ty đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại như: nhà máy, lót bạt, hệ thống sục khí... tạo ra con giống tốt, hạn chế sử dụng kháng sinh. Quy mô của dự án khoảng 50ha, ước tính mỗi năm sẽ cung cấp khoảng 1,6 tỷ cá hương và 30 triệu cá giống”.
Nhìn nhận từ góc độ quản lý, quan sát thị trường, ông Như Văn Cẩn – Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho hay, năm qua tuy giá cá tra có tăng cao nhưng vẫn còn không ít khó khăn trong sản xuất như việc mất kiểm soát vùng nuôi, tăng trưởng nóng, lạm dụng hóa chất trong quá trình nuôi... Hướng đến phát triển ngành hàng cá tra, Cục đề nghị tất cả các ngành hữu quan, DN, người chăn nuôi cần tổ chức lại sản xuất, đảm bảo chất lượng vùng nuôi, da dạng hóa mặt hàng chế biến, ổn định giá và thị trường xuất khẩu...
Là địa phương có thế mạnh trong sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp đề xuất Bộ NN&PTNT tiếp tục thực hiện nghiên cứu chọn lọc đàn cá tra bố mẹ có khả năng kháng bệnh ở thế hệ sau. Đồng thời chỉ đạo các viện, trường nghiên cứu tìm hiểu, xác định nguyên nhân gây hao hụt nhiều trong quá trình ương giống. Sớm phân bổ nguồn ngân sách Trung ương đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các vùng sản xuất giống cá tra theo “Đề án chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao của tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2018 – 2025”.
Hướng đến sự phát triển bền vững ngành hàng cá tra, ông Lê Minh Hoan – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng: “Thời gian tới, các DN, hiệp hội thuộc khu vực ĐBSCL cần ngồi lại tìm ra tiếng nói chung cho sự phát triển của ngành hàng cá tra. Để làm được điều này, các đơn vị phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, trong đó cần minh bạch thông tin vùng nuôi, sản lượng, thị trường...”.
Trước những kết quả trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự nỗ lực của ngành chuyên môn, cộng đồng DN khu vực ĐBSCL đã cùng chung tay đưa ngành hàng cá tra tăng trưởng vượt bậc với tính liên kết tăng cao. Nhìn nhận thuận lợi và khó khăn trong năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương cần phát huy tiềm năng, lợi thế, sản xuất cá tra thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đối với sản xuất, các DN và chính quyền địa phương cần phải rà soát, quản lý chặt quy hoạch vùng nuôi cá tra, vận động người nuôi tự phát tham gia vào chuỗi liên kết; chú trọng chất lượng con giống, sản xuất theo nhu cầu thị trường...
Khánh Phan