Làng bột Sa Đéc hồi sinh từ mô hình hội quán
Cập nhật ngày: 14/03/2019 05:56:59
ĐTO - Có dịp tham dự buổi họp lệ tháng của Hội quán làng bột Sa Đéc, chúng tôi hết sức ngạc nhiên và ấn tượng với tác phong làm việc và sinh hoạt tập thể của bà con nơi đây. Dù chỉ là những nông hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, song bà con ở Hội quán làng bột Sa Đéc đã bắt đầu manh nha có những suy nghĩ lớn vượt qua giới hạn làng, xã nhỏ bé như trước đây.
Nhiều hộ sản xuất bột ở TP.Sa Đéc mạnh dạn đầu tư đây chuyền sản xuất khép kín giúp sản phẩm bột gạo đạt chuẩn xuất khẩu
Hai giờ chiều ngày cuối tháng là khung giờ sinh hoạt cố định của Hội quán làng bột Sa Đéc. Buổi họp lệ cuối tháng 2 của Hội quán làng bột Sa Đéc bắt đầu với nội dung thời sự được ông Võ Bé Hiền - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Tháp thông tin về tình hình và diễn biến của dịch tả heo Châu Phi, loại dịch bệnh nguy hiểm mà nhiều người chăn nuôi heo ở làng bột đang rất quan tâm, lo lắng.
Với tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả heo Châu Phi như hiện nay, việc chia sẻ thông tin và đưa ra những khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi Thú y là hết sức cần thiết cho bà con làng bột. “Những buổi sinh hoạt ở “mái nhà chung hội quán” như thế này giúp cho tôi thay đổi tư duy trong sản xuất và có cái nhìn toàn cảnh hơn về thị trường tiêu thụ, những khó khăn và triển vọng đối với sản phẩm bột gạo mà tôi đang sản xuất. Đi họp là đi học khôn, là cơ hội để giao lưu và hợp tác sản xuất kinh doanh” - ông Nguyễn Công Nguyên, thành viên của Hội quán làng bột Sa Đéc bày tỏ.
Thông qua những buổi họp lệ hằng tháng của hội quán, những vấn đề gút mắc và khó khăn ở làng bột từng bước được bà con tháo gỡ. “Mái nhà chung hội quán” còn là nơi để những sáng kiến “MADE IN NÔNG DÂN” được ươm mầm và ra đời.
Ông Nguyễn Văn Nương - Chủ nhiệm Hội quán làng bột Sa Đéc trần tình: “Thật lòng mà nói, cách đây 5 năm, chúng tôi chưa từng nghĩ sẽ có ngày anh em xóm giềng lại có dịp ngồi lại, rồi cùng nhau bàn tính đối sách để gỡ rối cho nghề làm bột của ông cha mình. Ấy vậy mà hơn 3 năm qua, hội quán là nơi đã chứng kiến người dân làng bột chúng tôi có những tư duy đột phá trong sản xuất và kinh doanh”.
Những sáng kiến, ý tưởng hay trong quá trình sản xuất như: thay vỉ phơi bằng tre sang vỉ bằng nhựa; sử dụng vải đậy bột thay vì đậy bằng giấy báo truyền thống; sử dụng máy móc thay cho những công đoạn phải sản xuất thủ công như trước đây. Đặc biệt, tìm ra chất trợ lắng arrageenan thay thế cho cách lắng lọc từ lá dâm bụt đã góp phần giúp kiểm soát kim loại nặng trong bột tốt hơn... Cứ như vậy, những điểm nghẽn của làng bột được chính người dân làng bột từng bước tháo gỡ.
Thành lập năm 2016 với 43 thành viên, sau hơn 3 năm hoạt động, hiện tại Hội quán làng làng bột Sa Đéc có 64 thành viên. Không những tạo sức hút với những nông hộ sản xuất, Hội quán làng bột còn hấp dẫn nhiều cơ sở kinh doanh bột và doanh nghiệp chế biến sản phẩm sau bột tham gia sinh hoạt.
Ông Lê Nhựt Trường - chủ Cơ sở bột gạo Nhựt Trường, phường 2, TP.Sa Đéc tâm sự: “Là đầu mối chuyên cung cấp bột gạo khô cho các công ty chế biến thực phẩm ở TP.HCM, điều khiến tôi trăn trở nhiều năm qua chính là giải pháp nào để có được sản phẩm bột khô đồng nhất từ gần 70 hộ sản xuất vệ tinh hiện nay của mình. Việc kiểm soát kim loại nặng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không phải là chuyện dễ dàng đối với khả năng của các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Song, với việc tham gia sinh hoạt tại Hội quán làng bột, tôi có điều kiện tiếp cận với những cách làm mới, kỹ thuật sản xuất hiện đại từ các doanh nghiệp lớn. Đây là nền tảng quan trọng để tôi có thể chuyển giao cho các hộ sản xuất vệ tinh của mình”.
Một buổi họp lệ của Hội quán làng bột Sa Đéc
Theo thông tin từ Phòng Kinh tế TP.Sa Đéc, hiện nay làng bột Sa Đéc có trên 300 hộ sản xuất bột, tập trung chủ yếu ở khu vực xã Tân Phú Đông, Tân Qui Tây, phường 2. Hiện nay, có hơn 50% số hộ sản xuất áp dụng đậy bột bằng vải và giấy không chữ khi phơi thay vì đậy bằng giấy báo như trước đây. Có khoảng 30% số hộ chuyển sang đầu tư máy móc hiện đại thay thế cho sản xuất thủ công. Bên cạnh đó, một số hộ có điều kiện trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền máy móc sản xuất theo qui trình khép kín. Đây là tiền đề quan trọng để có được sản phẩm bột chất lượng cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm lớn.
Ông Nguyễn Quốc Chánh - Phó Phòng Kinh tế TP.Sa Đéc cho biết: Hiện người dân làng bột đã có nhiều chuyển biến tích cực về tư duy sản xuất kinh doanh. Không những thế, đối với những vấn đề mang tính chất vĩ mô, ngoài khả năng của bà con làng nghề thì chính quyền địa phương luôn là người bạn đồng hành, sát cánh với bà con. Trong nhiều năm qua, địa phương dành nhiều chính sách hỗ trợ ưu tiên giúp bà con đổi mới thiết bị, máy móc và cùng các chuyên gia, nhà khoa học tìm ra những giải pháp giúp cho việc sản xuất bột tốt hơn, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất...
Mỹ Lý