Chuẩn bị kịch bản sẵn sàng tăng tốc sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát

Cập nhật ngày: 16/03/2020 06:30:02

ĐTO - Là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu về “Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19” được tổ chức vừa qua.


Vụ mùa mới ở Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười

Theo Bộ NN&PTNT, trong 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Thặng dư thương mại trong 2 tháng đạt 1,02 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo trong thời gian tới, kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng chậm. Các nền kinh tế chủ chốt đối mặt với nhiều khó khăn. Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới.

Trong nước, ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể là biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng đến ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, dịch tả heo châu Phi có giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn, gây khó khăn cho công tác tái đàn.

Khẳng định ngành nông nghiệp còn đối mặt với nhiều thách thức do dịch bệnh, thiên tai nhưng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT vẫn lạc quan cho rằng, trong hoàn cảnh nào con người vẫn có nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm. Do đó, ngành nông nghiệp phải chuẩn bị các kịch bản để sẵn sàng tăng tốc sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát. Theo đó, tập trung thúc đẩy sản xuất, khắc phục khó khăn, cung ứng thực phẩm trong mọi hoàn cảnh; tập trung các biện pháp khống chế dịch bệnh không để phát sinh, không để giá thực phẩm leo thang; không để xảy ta tình trạng trục lợi. Bên cạnh đó, chuẩn bị điều kiện tốt nhất để thúc đẩy sản xuất, tìm thị trường mới cho các mặt hàng xuất khẩu sau dịch bệnh được kiểm soát.

Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất. Phương án này bao gồm chuẩn bị kịch bản trong bối cảnh nhiều địa phương công bố dịch Covid-19, người dân sẽ có nhu cầu cao trong việc sử dụng lương thực thực phẩm.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phân tích cụ thể 3 thách thức lớn bao trùm ngành nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể là tính phức tạp, khó lường của khí hậu, thời tiết; hạn hán và xâm nhập mặn; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp.

Liên quan đến ngành chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, cả nước xuất hiện 44 ổ dịch cúm gia cầm (39 ổ dịch do virus cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch do virus cúm A/H5N1) tại 14 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm chết, buộc tiêu hủy hơn 137 ngàn con.

Giải pháp được ngành nông nghiệp đưa ra trong thời điểm này là tiếp tục tổ chức nghiên cứu các giải pháp tổng thể phòng, chống dịch bệnh; hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế và các nước để phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi và nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng bệnh này. Đồng thời hướng dẫn, giám sát việc nuôi tái đàn heo theo nguyên tắc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, vệ sinh, sát trùng và các biện pháp an toàn sinh học dưới sự giám sát của chính quyền cơ sở và các cơ quan chuyên môn. Mặt khác, tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn để cung cấp các sản phẩm thịt heo cho thị trường và bình ổn giá.

MINH NHẬT

(Lược ghi)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn