Chương trình mỗi xã một sản phẩm phát triển kinh tế khu vực nông thôn

Cập nhật ngày: 21/04/2020 09:47:33

ĐTO - Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xem là đòn bẩy nâng cao giá trị tài nguyên bản địa, tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn... Với ý nghĩa đó, Chương trình OCOP được sự quan tâm, đồng thuận của các cấp, các ngành, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh.


Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP

Đồng hành cùng chương trình OCOP

OCOP là chương trình vừa được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Để người dân hiểu được về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến các tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh. Với định hướng thực hiện chương trình là phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị tài nguyên bản địa, tỉnh đã tiến hành khảo sát các sản phẩm tiềm năng phù hợp với tiêu chí của chương trình.

Sau 1 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đạt được một số kết quả khả quan. Năm 2019, UBND tỉnh công nhận có 70 sản phẩm OCOP (với 30 chủ thể) đạt từ 3 - 4 sao thuộc các nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược; thủ công mỹ nghệ, trang trí. Đây được xem là bước khởi đầu thuận lợi cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương phát triển, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), phần lớn các sản phẩm được cấp tiêu chuẩn chất lượng, mã số mã vạch. Nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, ngoài những kênh tiêu thụ truyền thống, các chủ thể sản phẩm OCOP còn linh hoạt trong khai thác thị trường tiềm năng từ kênh thương mại điện tử như: Tiki, Lazada, Shopee, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Tháp.

Nhằm giúp sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, năm qua, tỉnh còn hỗ trợ các tổ chức, cá nhân quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Cụ thể như tham gia Hội chợ quốc tế OCOP năm 2019, Hội chợ Nông nghiệp và Sản phẩm OCOP Khu vực đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre. Hầu hết các sản phẩm của tỉnh tham gia chương trình này đều được khách tham quan đánh giá cao. Đặc biệt là các sản phẩm lưu niệm từ sen và xoài Cao Lãnh thu hút rất đông khách đến tham quan, tìm hiểu.

Điểm nhấn trong thực hiện Chương trình OCOP năm qua là chương trình Hội chợ triển lãm Nhịp cầu Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Đồng Tháp năm 2019 với chủ đề “Sản phẩm OCOP- Phát huy giá trị bản địa”. Sự kiện này giúp người sản xuất giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, mở ra cơ hội trong việc giao lưu hợp tác đầu tư.

Anh Nguyễn Tấn Phúc ngụ xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc cho biết: “Đồng Tháp có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, sở hữu nguồn nguyên liệu phong phú nên sản phẩm OCOP cũng khá đa dạng, mang đậm dấu ấn hình ảnh địa phương. Điểm nhấn của sản phẩm OCOP là được gắn sao công nhận giúp cho người tiêu dùng có thêm cơ sở, niềm tin khi quyết định chọn mua sản phẩm”.

Xem Chương trình OCOP là đòn bẩy mở ra cơ hội cho sản phẩm địa phương phát triển, lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương đẩy mạnh hỗ trợ chủ thể hoàn thiện sản phẩm OCOP. Tại hội nghị đánh giá kết quả triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (CCOP), triển khai nhiệm vụ năm 2020 khu vực phía Nam, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá cao kết quả bước đầu thực hiện Chương trình OCOP của các tỉnh. Đặc biệt là tỉnh Đồng Tháp rất linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện chương trình. Đơn cử như trong dịp Tết, toàn bộ quà chúc Tết gia đình chính sách phần lớn là các mặt hàng OCOP của địa phương, góp phần đưa sản phẩm này đến gần hơn với người tiêu dùng.


Sản phẩm Quýt hồng Lai Vung đạt chứng nhận 3 sao Chương trình OCOP

Nâng cao chất lượng, đầu ra sản phẩm OCOP

Theo Sở NN&PTNT, Chương trình OCOP đạt được kết quả bước đầu là nhờ sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp và người dân. Ngoài ra, các địa phương đẩy mạnh khai thác các nguồn tài nguyên bản địa, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tiềm năng OCOP chuẩn hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, các chủ thể quan tâm hơn trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu, nhạy bén trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bán hàng.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình OCOP vẫn còn những khó khăn nhất định. Các chính sách hỗ trợ các sản phẩm OCOP hiện nay chủ yếu là lồng ghép từ nhiều chương trình, còn chồng chéo, chưa phát huy hết hiệu quả các chính sách. Mặt khác, với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm OCOP phải cạnh tranh nhiều với những mặt hàng cùng loại của các doanh nghiệp lớn. Hiện nay, các sản phẩm này phần lớn sản xuất ở dạng thô, sơ chế, chưa ứng dụng nhiều khoa học công nghệ vào sản xuất, chưa được chuẩn hóa theo xu hướng thị trường toàn cầu hiện nay...

Xét từ những thuận lợi khó khăn trên, trong năm 2020, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, tập huấn các nội dung mới về Chương trình OCOP đến cán bộ các cấp, cộng đồng để nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần sáng tạo của người lao động.

Hướng đến phát triển sản phẩm tạo nên sự khác biệt, Đồng Tháp tiếp tục hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm, chuẩn hóa về bao bì sản phẩm, thực hiện quản lý, bán hàng trên các trang thương mại điện tử, kết nối tiêu thụ với các điểm bán lẻ, siêu thị... Đồng thời tiếp tục chuẩn hóa các sản phẩm đạt 4 sao đủ điều kiện tham gia đánh giá sản phẩm cấp Quốc gia. Năm 2020, tỉnh tập trung hỗ trợ 2 mô hình chỉ đạo điểm của tỉnh là sản phẩm từ sen huyện Tháp Mười và Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc, TP.Sa Đéc.

Đầu ra sản phẩm được xem là yếu tố vô cùng quan trọng, trên tinh thần đó, tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Đồng thời vận hành, hoạt động hiệu quả điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP của tỉnh tại TP.Sa Đéc; liên kết, phát triển thêm các điểm bán hàng, cửa hàng OCOP trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, để sản phẩm OCOP mở rộng thị trường, UBND tỉnh, các ngành chức năng sẽ tổ chức nhiều chương trình, hội thảo làm cầu nối giúp các nhà phân phối, bán lẻ và các hợp tác xã, hội quán chia sẻ thông tin, tìm “tiếng nói chung” trong hợp tác kinh doanh.

Là bạn trẻ khởi nghiệp và có 6 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, anh Trương Lê Huy Hoàng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ambroyal (huyện Châu Thành) chia sẻ về định hướng phát triển thị trường sản phẩm: “Trong thời buổi thế giới phẳng hiện nay, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty còn đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, kênh thương mại điện tử là mảnh đất màu mỡ cần được khai thác. Nắm bắt cơ hội đó, đơn vị hình thành đội ngũ phát triển kênh bán hàng thương mại điện tử một cách chuyên nghiệp, hiệu quả. Qua đó, nhằm đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh, chu đáo nhất với chi phí thấp nhất...”.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh cam kết đồng hành hỗ trợ trong việc liên kết giữa doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ và người sản xuất được thuận lợi, đưa sản phẩm OCOP mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, ngoài công tác hỗ trợ, các địa phương cần chủ động kết nối với doanh nghiệp, giúp sản phẩm OCOP của Đồng Tháp phát triển mạnh, chinh phục cả những thị trường khó tính...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn