Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế

Cập nhật ngày: 21/01/2021 16:49:41

ĐTO - Những năm gần đây, nhiều nông dân (ND) trong tỉnh đầu tư cải tạo vườn tạp, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng (CCCT) trên đất trồng lúa kém hiệu quả. Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị đất canh tác, tăng thu nhập cho người dân.


Ông Nguyễn Văn Điền chuyển gần 1,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái

Chúng tôi có dịp đến thăm khu vườn rộng gần 1,5ha của ông Nguyễn Văn Điền (SN 1961) ở ấp 5, xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười. Ông Điền cho biết: “Hơn 4 năm trước, tôi cải tạo 3 công vườn tạp để trồng mít Thái, thu nhập trung bình từ 80 - 100 triệu đồng/năm. Nhận thấy trồng cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao nên năm 2018, tôi đầu tư, chuyển gần 1,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mít Thái, sầu riêng, bơ và bưởi. Hiện, vườn cây của tôi phát triển tốt, mít đã cho những lứa trái đầu tiên và bán lai rai được hơn 20 triệu đồng. Dự kiến, mít và bưởi sẽ cho thu hoạch nhiều trong năm 2021”.

Còn ông Nguyễn Văn Ngói (SN 1954) ngụ ấp Lợi Hòa, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười cũng đã chuyển 15 công đất lúa sang trồng chanh và cam. Ông Ngói chia sẻ: “Hội ND xã hỗ trợ về khoa học kỹ thuật và tạo điều kiện giúp tôi vay 25 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ ND để mua cây giống, phân, thuốc... Vườn chanh và cam mang về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm, cao hơn làm lúa”. Hiện nay, đa số diện tích đất sản xuất có đê bao bảo vệ và tưới tiêu bằng trạm bơm điện. Các cấp Hội ND phối hợp với ngành chức năng mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trị sâu bệnh trên cây trồng; tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mua cây giống, vật tư nông nghiệp, hệ thống tưới tiêu.

Đa số ND chuyển đổi CCCT trên đất lúa trong khu vực được quy hoạch, chuyển đổi đối với diện tích đất trồng lúa có hiệu quả kinh tế thấp và vùng đất gò... nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Để tránh tình trạng phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch, hàng năm, các địa phương rà soát, báo cáo diện tích chuyển đổi CCCT theo quy định. Ngành chức năng chủ động kiểm tra, rà soát những khu vực người dân tự chuyển đổi không theo quy hoạch để có phương án xử lý phù hợp. UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo công tác phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên về lĩnh vực chuyển đổi CCCT trên đất lúa và xây dựng, ban hành các văn bản quản lý thuộc lĩnh vực này tại địa phương.

Qua Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, giai đoạn 2017 - 2020, tổng diện tích chuyển đổi CCCT trên đất trồng lúa toàn tỉnh hơn 24.769ha. Diện tích chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây lâu năm gần 7.557ha, chủ yếu trồng xoài, cam, quýt, mít, chanh, nhãn... Việc chuyển sang trồng cây ăn trái cho lợi nhuận tăng gấp 3 - 8 lần so với trồng lúa. Chẳng hạn, mỗi năm, cây mít Thái (Changai) mang lại lợi nhuận cho ND từ 90 - 330 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ 92 - 228 triệu đồng/ha (cây chanh), từ 40 - 200 triệu đồng/ha (ổi Đài Loan). Trồng nhãn lãi khoảng 120 triệu đồng/ha và 110 triệu đồng/ha đối với cây thanh long. Bên cạnh đó, trong 3 năm qua, gần 965ha đất trồng lúa được đầu tư, kết hợp nuôi thủy sản với hình thức luân canh lúa - tôm, lúa - cá (hoặc ếch)... ND trong tỉnh còn chuyển từ đất lúa sang trồng cây hàng năm, diện tích 16.248ha. Cây trồng được ND lựa chọn chủ yếu là bắp, mè, ớt, khoai lang, khoai môn, kiệu, sen... Nhìn chung, lợi nhuận từ việc chuyển sang trồng hoa màu cao gấp 2 - 3 lần so với lúa.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, việc chuyển đổi CCCT trên đất lúa rất phù hợp với nhu cầu thực tế do giá bán các nông sản khác cao hơn lúa. Một số địa phương chủ động xây dựng vùng sản xuất hoa màu, bước đầu liên kết các công ty tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, thị trường nông sản thiếu ổn định, ảnh hưởng đời sống của người dân. Dù đã giảm dần diện tích trồng lúa kém hiệu quả để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao nhưng phát triển chưa theo chiều sâu, còn manh mún. Một số khu vực hạ tầng sản xuất chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu tưới tiêu hoa màu. Đa số người dân chuyển đổi cây trồng theo xu hướng thị trường, việc định hướng quy hoạch vùng sản xuất tập trung một chủng loại cây trồng để tạo nguồn cung hàng hóa lớn gặp nhiều khó khăn. Các công ty, doanh nghiệp uy tín liên kết tiêu thụ với ND còn rất hạn chế. Tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến bất thường đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cây trồng.

Giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến chuyển đổi CCCT trên đất trồng lúa của tỉnh Đồng Tháp là 27.274ha. Trong đó, có 14.712ha trồng cây hàng năm, 10.051ha trồng cây lâu năm và trồng lúa kết hợp với nuôi thủy sản là 2.511ha. Diện tích dự kiến chuyển đổi CCCT trên đất trồng lúa đến năm 2030 là 29.716ha.

N.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn