Chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp

Cập nhật ngày: 16/10/2020 19:10:10

ĐTO - Ngày 16/10, tại TP.Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo “Thành tựu: Chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp và định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới”. Hội thảo do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa chủ trì. Tham dự chương trình có đại diện các sở, ngành, địa phương, các chuyên gia, doanh nghiệp (DN), hội quán, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh...


Quang cảnh hội thảo

Hội thảo tập trung thảo luận, đánh giá lại những thành tựu kinh tế của ngành nông nghiệp tỉnh nhà trong thời gian qua. Đặc biệt chương trình dành nhiều thời gian phân tích về phương thức vận hành việc “chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp”. Hội thảo cũng chỉ ra những khó khăn vướng mắc, bài học kinh nghiệm để làm cơ sở cho việc định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới thật sự bền vững. Cụ thể như, nâng cao giá trị các ngành hàng, sản xuất sạch, an toàn, truy xuất nguồn gốc...

Diễn giả chương trình, PGS.TS Nguyễn Phú Son - Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ với hội thảo nội dung “Giải pháp nâng cao chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”. Trong đó, PGS.TS Nguyễn Phú Son đề cập, phân tích sâu 3 nội dung về thực trạng nông sản của Việt Nam tham gia trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; lợi thế, cơ hội và thách thức, hạn chế của nông sản Việt Nam khi tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; giải pháp nâng cao chuỗi giá trị nông sản toàn cầu của Việt Nam.

PGS.TS cũng đặc biệt lưu ý, đối với nông dân, sản xuất phải có định hướng và tuân thủ theo chỉ dẫn của nhà khoa học trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản và thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết với các nhà máy chế biến; phải thay đổi nhận thức kinh doanh theo hướng “Bán cái thị trường cần, chứ không phải bán cái mình có”. Nông dân và các tổ chức kinh tế hợp tác cần thực hiện mô hình “Cung ứng tập trung” và “Tiêu thụ tập trung”.

Hiện nay, hàng nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 100 nước trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản tăng qua các năm. Các Hiệp định Thương mại tự do đều có độ cam kết và mở rộng toàn diện, do đó nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành nông sản nói riêng đã và đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Tham dự hội thảo, diễn giả Hoàng Ngọc Oanh - Thạc sĩ Kinh tế Quốc tế, Trung tâm tư vấn phát triển kinh tế thương mại Việt Nam đã chia sẻ những thông tin hữu ích về Hiệp định thương mại tự do, cơ hội và thách thức cho sản xuất nông sản.


Đại diện doanh nghiệp chia sẻ ý kiến trong chương trình hội thảo

Chia sẻ về chiến lược hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Tham dự hội thảo, nhiều DN cho biết, sẽ tập trung ưu tiên đầu tư, xây dựng mối liên kết chặt chẽ với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, xây dựng vùng nguyên liệu, thông qua việc hợp tác với các hội quán, HTX. Chương trình cũng nhận được nhiều ý kiến về vấn đề xây dựng mã vùng trồng; chuyển đổi cây trồng trước tình hình biến đổi khí hậu; kinh nghiệm để nâng cao chất lượng trong sản xuất đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; xây dựng mối liên kết, hợp tác bền vững giữa DN, HTX, hội quán và nông dân... Vấn đề sản xuất nông nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường cũng được nhiều đại biểu quan tâm tại hội thảo.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại chương trình

Chủ trì hội thảo, Phó Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa cho biết, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp là một trong những thành công của tỉnh nhà khi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN) thời gian qua. Đồng Tháp rất tự hào khi đưa ra ý tưởng này và được sự ủng hộ, đồng thuận của tất cả các tầng lớp nhân dân. Từ đó tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần mang lại những thành tựu nổi bật cho kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà.

Vấn đề biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường trong nước và thế giới. Về định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời gian tới, Đồng Tháp vẫn quyết tâm đẩy mạnh thực hiện TCCNN đi vào chiều sâu trên cơ sở nền tảng thành tựu đạt được trong những năm qua. Tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp mạnh mẽ hơn, thực hiện tốt việc chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Phó Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, để thực hiện hiệu quả các chủ trương của địa phương, của Chính phủ thì luôn cần sự thống nhất, đoàn kết trong nhận thức, hành động của mọi tầng lớp nhân dân.

Thanh Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn