Cơ hội từ thực hiện các Hiệp định thương mại tự do
Cập nhật ngày: 04/05/2020 13:14:56
ĐTO - Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà...
Thời gian qua, tỉnh tăng cường hợp tác, giao lưu với nước bạn Campuchia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, an toàn. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế và ký kết nhiều biên bản cam kết đầu tư trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, xuất khẩu lao động, giáo dục, y tế, an ninh biên giới... Tính riêng trong năm 2018-2019, tỉnh ký kết 36 thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác ngoài nước: Campuchia, Lào, Úc, Đức, Đài Loan, Nhật Bản, Pháp, Na Uy, Anh, Hoa Kỳ, Hàn Quốc,...
Việc triển khai thực hiện các FTA còn tác động tích cực đối với cán cân thương mại quốc tế, thu hút đầu tư. Theo đó, kim kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng dần theo từng năm, vượt mốc 1 tỷ USD/năm. Trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1,1 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2015. Cán cân thương mại luôn theo chiều hướng có lợi cho xuất khẩu, trong 5 năm liền đều trong tình trạng xuất siêu.
Đối với thị trường xuất khẩu, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, DN năng động trong tìm kiếm đầu ra góp phần củng cố thị trường truyền thống và khai thác các thị trường mới, tiềm năng. Đến nay, hàng hóa của tỉnh Đồng Tháp có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của tỉnh (gạo, thủy sản, bánh phồng tôm, may mặc,...) còn có nhiều mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao như collagen, dầu cá, trái cây chế biến,... góp phần đa dạng hàng hóa xuất khẩu. Những mặt hàng này được đánh giá là sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ các FTA thế hệ mới.
Trong lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), hiện nay, Đồng Tháp có 22 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 185 triệu USD. Hầu hết, các dự án FDI này đều đến từ các quốc gia có ký kết FTA với Việt Nam như: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc,... Theo UBND tỉnh, các dự án FDI trên địa bàn tỉnh có đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Không những bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, đóng góp vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách nhà nước, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu mà còn giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương...
Theo UBND tỉnh, việc triển khai thực hiện các FTA đã thúc đẩy các ngành sản xuất trong nước phát triển, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm hàng hóa nhập khẩu, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng, gắn với phát triển sản phẩm mới. Nhiều DN của tỉnh đã thực hiện đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO, HACCP, ASC, BRC, BAP,GLOBALGAP,... ) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường kể cả trong nước và xuất khẩu.
Thực thi Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên tác động về văn hóa - xã hội, môi trường, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thời gian qua, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Đồng Tháp là tỉnh liên tục trong 11 năm liền nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh. Đến cuối năm 2019, số DN đang hoạt động trong nền kinh tế là 4.060 DN, tăng 45% so với cuối năm 2015.
Ngoài ra, công tác cải cách hành chính; đào tạo nghề, hỗ trợ giảm nghèo được thực hiện với nhiều giải pháp hiệu quả. Hiện nay, tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong đó, triển khai thị trường lao động mới tại Ba Lan và đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc...
Y DU