Ngành hàng cá tra đối mặt với thách thức giữa bão dịch Covid-19
Cập nhật ngày: 30/04/2020 10:16:14
ĐTO - Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong 10 năm trở lại đây, chưa bao giờ ngành hàng cá tra Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn như từ đầu năm đến nay. Dịch viêm phổi cấp Covid-19 lây lan tại nhiều quốc gia đã làm tê liệt hầu hết các chuỗi cung ứng trên toàn cầu, ngành hàng cá tra cũng không ngoại lệ...
Hiện các doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra xuất khẩu đang đối mặt với nhiều khó khăn, cụ thể là về giải quyết hàng tồn kho, xoay sở vòng quay tài chính, sách lược giữ chân người lao động trong bối cảnh khủng hoảng… Tại các vùng nuôi, nhiều nông dân cũng đang điêu đứng khi nhiều tháng ròng giá cá tra liên tục rớt chạm đáy. Hiện giá cá tra trên thị trường chỉ dao động ở mức 18 ngàn – 19 ngàn đồng/kg, trong khi đó giá thành sản xuất đã lên đến 21 ngàn – 22 ngàn đồng/kg.
Chế biến cá tra phi lê
Covid-19 - “cú đấm thép” vào ngành hàng cá tra
Theo thông tin từ Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước đạt hơn 2 tỷ USD, giảm 11,4% so cùng kỳ. Nguyên nhân là diện tích nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long tăng, nhưng thị trường xuất khẩu khó khăn dẫn đến giá trị giảm.
Từ đầu năm 2020 đến nay, xuất khẩu cá tra đối mặt với thách thức mới khi dịch Covid-19 bùng phát và lây lan nhanh ở nhiều nước trên thế giới. Dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều nước Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ... khiến ngành cá tra Việt Nam đứng trước nhiều áp lực. Trong 3 tháng đầu năm nay, dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng tới xuất khẩu cá tra Việt Nam sang nhiều thị trường, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm trước.
Về những ảnh hưởng và tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động chế biến và xuất khẩu cá tra của các DN, ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết: “Trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho DN chế biến và xuất khẩu cá tra. Hầu như mọi hoạt động mua bán, giao thương của các DN bị đình trệ. Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, các DN phải tốn nhiều chi phí để vận hành và duy trì bộ máy của mình. Phải nói rằng, đối với các DN chế biến, xuất khẩu cá tra giai đoạn vừa qua bị thiệt hại rất nặng nề. Nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài sẽ gây ra nhiều tổn thất cho các DN và đẩy DN vào những tình thế khó khăn nhất. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành những chính sách như: giãn nợ, khoanh nợ, cơ cấu lại nợ vay, chậm thu thuế thu nhập doanh nghiệp... những giải pháp hỗ trợ này đã tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời giúp các DN củng cố lại và phát triển trong giai đoạn tới”.
Có thể nói ở “tuyến đầu”, dịch Covid-19 gần như đã làm tê liệt khả năng “chiến đấu” của các DN. Song ở “hậu phương”, nông dân chính là những người chịu ảnh hưởng, nặng nề và tiêu cực nhiều nhất.
Chia sẻ về vấn đề này trong buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh và các DN ở Khu công nghiệp TP.Sa Đéc cuối tuần qua, ông Ong Hàn Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang, TP.Sa Đéc cho biết: “Trong hoàn cảnh khó khăn này, người chăn nuôi chính là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19. Bởi một khi cá tra nuôi đã tới size thu hoạch thì đường nào nông dân cũng phải bán chứ càng “neo” lâu thì càng lỗ nặng. Đặc biệt là những hộ nuôi cá giống, nếu như trước đây giá cá giống dao động 40 ngàn – 50 ngàn đồng/kg thì hiện tại chỉ còn 20 ngàn đồng/kg, người nông dân đang chịu thua lỗ rất nặng nề. Do đó, tôi cũng đề nghị nếu có chính sách nào để hỗ trợ thì đề nghị tỉnh nhà sớm nghiên cứu và có chính sách hỗ trợ nông dân nuôi cá tra kịp thời, để bà con có thể cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Người nuôi cá tra bị thua lỗ do giá cá tra giống và cá tra thương phẩm rớt mạnh
Nhiều tín hiệu lạc quan từ các thị trường truyền thống
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cá tra trong quý I giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2019. Song trong tháng 3 vừa qua, các thị trường xuất khẩu truyền thống của cá tra Việt Nam như Hồng Kông, Trung Quốc, Mỹ đã tăng trưởng trở lại. Trong tháng 3/2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đạt 34,7 triệu USD, tăng hơn 109% so với tháng 1/2020. Trung Quốc - Hồng Kông trở lại là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của DN Việt Nam trong quý I năm nay.
Đối với thị trường Mỹ, xuất khẩu cá tra trong tháng 3/2020 đạt 23 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019. Theo dự báo của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trong quý II này, thị trường Hồng Kông, Trung Quốc, Mỹ có thể tiếp tục tăng về nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Nếu tình hình dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát tốt trong thời gian tới, dự báo giá cá tra sẽ quay đầu tăng trở lại sau thời gian dài giá cá tra nguyên liệu rớt giá chạm đáy.
Đặc biệt, ngày 20/4 vừa qua, một tín hiệu tích cực cho ngành cá tra Việt Nam là Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả chính thức của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2017 đến ngày 31/7/2018 đối với sản phẩm cá tra - basa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Theo đó, mức thuế cuối cùng áp dụng cho một số DN đã tham gia trả lời bản câu hỏi và hợp tác với Bộ Thương mại Mỹ (DOC) là 0,15 USD/kg. Các DN không hợp tác sẽ nhận mức thuế 2,39 USD/kg. Như vậy, mặc dù thuế cho các DN không hợp tác giữ nguyên so với POR14 nhưng mức thuế dành cho các DN hợp tác đã giảm đi đáng kể, lần này (POR15) là 0,15 USD/kg, so với đợt trước (POR14) là 1,37 USD/kg. Ngoài ra, hầu hết các DN xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam như Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn vẫn tiếp tục được hưởng mức thuế 0%.
Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA đã chính thức được Nghị viện châu Âu phê chuẩn mở ra cơ hội mới cho các DN xuất khẩu cá tra. Nhiều chuyên gia cho rằng, với Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành hàng cá tra Việt Nam thâm nhập thị trường lớn này.
Thời gian qua, bên cạnh việc kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường xuất khẩu, một số DN chế biến và xuất khẩu cá tra đã có những giải pháp thích ứng phát triển nhiều dòng sản phẩm đa dạng để phục vụ thị trường nội địa. Cụ thể, vừa qua, Công ty TNHH Cỏ May ở huyện Châu Thành đã nghiên cứu và cho ra mắt thị trường nhiều dòng sản phẩm cá tra chế biến. Sản phẩm này dựa trên văn hóa ẩm thực của người Việt đã được thị trường trong nước đánh giá tích cực về sự tiện dụng và hợp khẩu vị của người Việt.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường 97 triệu dân ở nội địa, ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam chia sẻ, không phải chỉ khi rơi vào những thời điểm khó khăn nhất chúng ta mới nghĩ đến thị trường nội địa. So với các loại cá khác, hiện giá cá tra nguyên liệu đang rất rẻ thì không lý do gì mà không cạnh tranh được. Vấn đề hiện nay là Nhà nước cần tạo cơ chế thuận lợi giúp DN xây dựng và phát triển kênh tiêu thụ nội địa; có chính sách hỗ trợ khuyến khích DN phát triển đa dạng sản phẩm nhằm phục vụ nhu cầu trong nước lẫn xuất khẩu thay vì cứ tập trung vào xuất khẩu cá tra phi lê như hiện nay. Nếu tháo gỡ được những điểm nghẽn này thì ngành hàng cá tra sẽ có thêm một kênh tiêu thụ mới, tiềm năng ngay tại chỗ.
Mỹ Lý