Hiệu quả từ các mô hình sinh kế mùa lũ

Cập nhật ngày: 27/04/2020 06:06:00

ĐTO - Ngày 24/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện tiểu dự án “Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười” các huyện phía Bắc tỉnh Đồng Tháp (ICRSL) năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020.


Quang cảnh buổi làm việc

Theo Báo cáo của Ban Quản lý Tiểu dự án ICRSL, năm 2019, tiểu dự án triển khai thực hiện được 12 mô hình có tổng diện tích thực hiện là 113ha, với 4 loại hình sinh kế (mô hình 2 lúa – 1 cá; 2 lúa – 1 tôm; 2 lúa + 1 vịt – cá và mô hình 2 màu – 1 cá).

Tham gia mô hình, nông dân được tập huấn về quy trình sản xuất lúa, màu, nuôi thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm tác động biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường... Về hiệu quả kinh tế, nhìn chung phần lớn các mô hình sinh kế đều cho thu nhập cao hơn so với mô hình đối chứng bên ngoài từ 5 triệu - 44 triệu đồng/ha/năm.

Theo đánh giá, hầu hết các ruộng thực hiện theo mô hình đều giảm được lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đa số nông dân tham dự tập huấn, hội thảo... đều đồng tình với các hoạt động sinh kế, nhằm giảm sản xuất lúa vụ 3, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, tiếp nối những kết quả năm 2019, các mô hình trong năm 2020 cần được thực hiện bài bản và hiệu quả hơn. Các huyện cần xây dựng và chủ động phương án để triển khai mô hình tại địa phương một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục thực hiện 12 mô hình sinh kế đã triển khai năm 2019. Đồng thời đẩy mạnh công tác vận động, tạo sự đồng thuận hưởng ứng thực hiện các hoạt động sinh kế thích ứng với khí hậu, nâng cao thu nhập cho cộng đồng người dân vùng dự án.

MỸ LÝ

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn