Lai Vung nỗ lực khôi phục lại vườn cây có múi

Cập nhật ngày: 22/04/2020 10:11:28

ĐTO - Thời gian qua, bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi bùng phát mạnh, khiến nhiều diện tích cây có múi trên địa bàn huyện Lai Vung ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước thực trạng trên, từ năm 2019 đến nay, UBND huyện Lai Vung, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) và các chuyên gia Trường Đại học Cần Thơ thực hiện 5 mô hình nghiên cứu, khắc phục dịch bệnh. Bước đầu, các mô hình cho kết quả tốt, hiện tượng bệnh được chặn đứng, cây sinh trưởng tốt trở lại.


Các chuyên gia thăm vườn và đưa ra nhiều khuyến cáo cho nông dân

Những tín hiệu đáng mừng

Theo Chi cục TT&BVTV tỉnh, qua thời gian nghiên cứu cho thấy những trở ngại về đất trên các diện tích cây có múi trên địa bàn huyện Lai Vung đều có điểm chung là kê đất ruộng nhiều lần (lấy đất ruộng ở tầng sâu có nhiều sét); kê đất bằng cách móc mương; đất ở thể khử đưa lên liếp sẽ sinh phèn làm pH thấp (khiến rễ cây bị ngộ độc). Ngoài ra, đất có lớp sét gần mặt dễ oi nước vào mùa mưa khiến bộ rễ cây bị hư...

Nhằm khôi phục lại vườn cây có múi, Chi cục TT&BVTV tỉnh và các chuyên gia Trường Đại học Cần Thơ xây dựng quy trình khắc phục bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi để nhà vườn thực hiện. Trong đó, nông dân thực hiện các biện pháp cải thiện đất, áp dụng việc xẻ rãnh xương cá để tránh úng nước trong mùa mưa; xeo đất qua khỏi lớp sét. Sau quá trình xeo đất, nông dân bón vôi quét tường (CaO) vào giai đoạn trước xử lý ra hoa với số lượng 250gram/gốc. Sau quy trình xử lý ra hoa sẽ bón với số lượng 150gram/gốc (bón 4-5 lần, khoảng 2 tháng/lần). Ngoài ra, bón Dolomite (dạng Calmag) cùng lúc với tro trấu để các rãnh xeo không líp lại với số lượng 2 - 4kg/gốc. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình canh tác, nông dân thường xuyên sử dụng phân hữu cơ để đất được tơi xốp với số lượng khoảng 10kg/gốc/năm.

Trong quá trình canh tác, nông dân chỉ sử dụng phân bón theo khuyến cáo để giúp cây phục hồi rễ trong quá trình trị bệnh, áp dụng tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Bên cạnh đó, nhà vườn còn áp dụng giải pháp đặt bẫy trong vườn để dự báo và phòng ngừa rầy chổng cánh và rầy mềm thường xuyên (ở các đợt ra đọt non). Tỉa cành tạo tán giúp thông thoáng, vệ sinh cỏ gần gốc để hạn chế bệnh do nấm Phytophthora gây ra...

Là một trong những hộ thực hiện mô hình thí điểm, ông Nguyễn Văn Đầy ngụ ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung tận dụng nguyên liệu tại chỗ là rơm và phân bò để tạo thành loại phân hữu cơ bón cho cây. Theo ông Đầy, qua triển khai, đến nay, diện tích vườn cây có múi của gia đình đã khôi phục được khoảng 50 - 90%, cây bắt đầu cho trái trở lại. Việc áp dụng giải pháp này giúp gia đình ông Đầy tiết kiệm hơn 40% chi phí sản xuất.

Vừa thực hiện xong quy trình xeo đất cho vườn cây, ông Trần Hữu Hớn ngụ ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu, huyện Lai Vung cho biết: “Mùa vụ năm trước, tôi thực hiện theo mô hình ứng dụng quy trình khắc phục bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi với diện tích 1.000m2. Kết quả cho thấy, vườn cây có sự hồi phục tốt, khoảng 50%. Vì vậy, tôi đã quyết định áp dụng phương pháp này cho toàn bộ diện tích cây có múi của gia đình với hơn 1,3ha.Theo đó, khi áp dụng, tôi tập trung sử dụng phân hữu cơ cho cây trong giai đoạn đầu. Đồng thời kết hợp sử dụng phân vô cơ với liều lượng hợp lý tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây, không bón thừa phân đạm. Trong quá trình canh tác, hàng tháng, tôi thường xuyên kiểm tra độ pH đất”.

Theo ông Trần Thanh Tâm - Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV, sau thời gian triển khai mô hình, đến nay, nhà vườn dần quen với việc xeo đất và sử dụng phân hữu cơ trong suốt quá trình canh tác. Trong đó, nông dân biết cách sử dụng phân cân đối giữa hữu cơ và hóa học để ổn định cấu trúc đất, tăng độ mùn, tơi xốp cho đất, tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi phát triển tốt. Giải pháp này còn góp phần giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất so với phương thức canh tác cũ.


Nông dân tiến hành xeo đất tạo sự thông thoáng cho bộ rễ

Triển khai nhiều biện pháp khôi phục cây có múi

Theo UBND huyện Lai Vung, để phát triển bền vững loại cây trồng thế mạnh của địa phương, huyện sẽ triển khai Dự án “Bảo tồn và khôi phục quýt hồng Lai Vung năm 2020 – 2024”. Dự án này cũng đề ra một số giải pháp về giống, kỹ thuật canh tác. Theo đó, huyện sẽ chọn vườn và cây quýt hồng tại địa phương đủ tiêu chuẩn để kịp thời nhân giống cung cấp trong năm. Duy trì và bảo tồn cây quýt hồng đầu dòng làm vật liệu nhân giống.

Về giải pháp hỗ trợ, khuyến khích trồng, thâm canh cây quýt hồng, đối với diện tích phát triển cây quýt hồng trồng mới và thâm canh trong vùng tập trung, được hỗ trợ 50% về giống lần đầu; 50% vật tư (phân hữu cơ, nấm Trichodera) trong thời gian 2 năm. Theo đó, mục tiêu đến năm 2024, sẽ bảo tồn 181,71ha (gồm diện tích nhiễm bệnh nhẹ, diện tích nhiễm trung bình diện tích đốn bỏ trồng lại quýt hồng). Đồng thời khôi phục 406,82ha (gồm diện tích đốn bỏ còn lại, diện tích đốn bỏ chưa trồng cây lâu năm khác).

Bên cạnh đó, đối với diện tích trồng quýt đường, cam soàn khoanh, huyện Lai Vung sẽ xây dựng mã số vùng trồng, áp dụng quy trình khắc phục dịch bệnh đã công bố; phối hợp Trường Đại học Cần Thơ lấy chỉ tiêu phân tích đất đai tại các vùng quy hoạch trên để có cơ sở cải tạo đất phát triển bền vững cây có múi theo hướng sạch, hữu cơ...

Theo ông Huỳnh Duy Khương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, khi Dự án được thông qua, các mô hình trình diễn sẽ là hạt nhân mở rộng, là nơi để các hộ nông dân đến tham quan học tập, từng bước nâng cao chất lượng trái. Bảo tồn, phát triển vùng trồng đặc sản quýt hồng tập trung. Đồng thời góp phần cải thiện tính lý hóa của đất, hạn chế thoái hóa bạc màu và thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu...

GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ - giảng viên Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, qua nghiên cứu tại các vườn bị ảnh hưởng bởi bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi, ông khuyến cáo ngành nông nghiệp địa phương cần hiểu rõ các vấn đề cốt yếu về nguồn gốc dịch để ngăn chặn bằng các tác nhân sinh học. Đồng thời hiểu về hình thức lây lan mà tác nhân là từ đất, nước tưới, con người; vai trò của tuyến trùng, nhện, rệp sáp, nấm... Từ cơ sở đó, khuyến cáo nông dân phải quan tâm hơn việc cung cấp dinh dưỡng cho đất và bộ rễ của cây, góp phần tạo sức đề kháng cho cây. Ngoài ra, khi sử dụng thuốc, phân bón, nông dân phải quan tâm hơn đến giải pháp sinh học thay cho biện pháp hóa học để giảm sự che chở của đất với các sinh vật có hại. Điều này thể hiện qua việc xeo đất rồi sử dụng phân hữu cơ để giúp bộ rễ phát triển...

Theo ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, để triển khai hiệu quả việc khôi phục cây có múi, đề nghị lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện, ngành chuyên môn quan tâm nhiều hơn về mô hình. Đồng thời thông qua các kênh, hỗ trợ nông dân tiếp cận với nguồn vốn vay để khôi phục lại vườn cây có múi. Ngành nông nghiệp thường xuyên tiếp cận nông dân nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai các biện pháp khôi phục lại vườn cây có múi...

KHÁNH PHAN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn