Hướng đến mục tiêu sản xuất sạch hơn trong công nghiệp
Cập nhật ngày: 23/04/2020 05:24:53
ĐTO - Để sản xuất sạch hơn (SXSH) được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Sở Công Thương đã tích cực phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai nhiều hoạt động liên quan đến SXSH. Qua đó, góp phần giúp các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất công nghiệp và cộng đồng dân cư nhận biết được tầm quan trọng và lợi ích của SXSH.
Mô hình máy sấy bột dùng điện và năng lượng mặt trời tại Cơ sở sản xuất bột Mười Cười
Theo Sở Công Thương Đồng Tháp, đơn vị đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền về SXSH bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị, tập huấn, gửi văn bản, xây dựng chuyên mục trên các phương tiện truyền thông... Thông qua các chương trình hội thảo, khóa tập huấn, nhận thức của cán bộ quản lý và các DN về SXSH đã được nâng cao. Đến nay, đã có 91% cơ sở sản xuất công nghiệp có tiềm năng áp dụng SXSH được tuyên truyền, phổ biến và nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH; 33% cơ sở sản xuất công nghiệp có tiềm năng áp dụng SXSH và tiết kiệm từ 8-13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên nhiên liệu; 100% cán bộ chuyên trách về SXSH ở các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh được đào tạo, tập huấn và đủ năng lực hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, các sở, ban, ngành còn tham gia, hỗ trợ khảo sát, thu thập số liệu về tình hình sử dụng năng lượng của 143 DN, cơ sở sản xuất trong các lĩnh vực như: chế biến thủy sản, thức ăn thủy sản, chế biến lương thực, sản xuất gạch, sản xuất nước đá... Qua đó, xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu về suất tiêu hao nguyên liệu, năng lượng trên đơn vị sản phẩm của các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh để các DN, cơ sở triển khai thực hiện tốt trong công tác SXSH. Kết quả, đã hỗ trợ, tư vấn cho 267 DN, cơ sở trong áp dụng SXSH; thực hiện kiểm toán năng lượng; tư vấn giải pháp tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ kinh phí áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng và SXSH vào trong hoạt động sản suất. Tổng kinh phí thực hiện SXSH giai đoạn 2016- 2020 là gần 18,4 tỷ đồng.
Anh Huỳnh Văn Cười - chủ hộ kinh doanh, sản xuất bột Mười Cười (xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc) cho biết, trước đây, gia đình anh vừa sản xuất bột vừa kết hợp chăn nuôi heo để tận dụng nguồn phụ phẩm cặn bột. Tuy nhiên, sau đợt dịch tả heo Châu Phi, heo chết hết, bột cặn dư thừa không biết bán đi đâu, anh cùng với các thành viên trong Hội quán Làng bột cùng ngồi lại tìm hướng giải quyết. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) - Sở Công Thương trong việc xây dựng mô hình máy sấy bột dùng điện và năng lượng mặt trời, anh mạnh dạn đầu tư kinh phí 613,5 triệu đồng (trong đó Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng) để chuyển sang sấy bột cặn bằng hệ thống điện năng lượng mặt trời. Anh Cười cho biết, có hệ thống máy sấy này, mỗi ngày, anh sấy được 1,3 tấn bột cặn khô, từ 2,5 tấn bột cặn ướt. Ngoài ra, vào những tháng mùa mưa, anh còn tận dụng hệ thống sấy này để sấy bột loại 1 để kịp giao cho khách hàng...
Cơ sở sữa sen Diễm Thúy 2 sau khi đầu tư máy nấu sữa dung tích 1.000 lít, đảm bảo đủ sản lượng giao cho khách hàng
Chị Hồ Thị Diễm Thúy - chủ cơ sở sữa sen Diễm Thúy ở thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười cũng được Trung tâm KC&TVPTCN hỗ trợ mua máy sản xuất sữa sen. Chị Thúy chia sẻ: “Hồi trước, tôi nấu nồi sữa chỉ vài chục lít nhưng rất tốn công khi phải canh lửa và rót vào chai. Từ khi được Trung tâm KC&TVPTCN hỗ trợ 80 triệu đồng, cơ sở sữa sen Diễm Thúy 2 đã đầu tư máy nấu sữa dung tích 1.000 lít. Từ đó, hiệu quả sản xuất của cơ sở tăng lên, đặc biệt đảm bảo đủ sản lượng giao cho khách hàng”. Ngoài máy nấu sữa, chị Thúy còn đầu tư máy nghiền, máy sấy và máy ép, từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất sản phẩm sữa bột sen. Theo chị Thúy, khi có máy móc hỗ trợ sẽ đảm bảo tăng sản lượng sản xuất, giảm nhân công và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận khi triển khai áp dụng SXSH trong các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, theo Sở Công Thương, việc triển khai, áp dụng thực hiện SXSH thời gian qua vẫn gặp không ít khó khăn, trở ngại. Hiện nay, các DN trên địa bàn tỉnh đa số là DN vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất còn hạn chế, năng lực tài chính không đủ mạnh nên khi đầu tư công nghệ mới cho SXSH gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, cơ chế hỗ trợ cho các DN, cơ sở đầu tư thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây truyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng còn gặp nhiều hạn chế, vì mức hỗ trợ thấp so với tổng mức đầu tư của DN, cơ sở. Bên cạnh đó, nhiều DN chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và lợi ích của SXSH, nên việc triển khai, áp dụng các giải pháp về SXSH chưa được chú trọng thực hiện...
SXSH đang trở thành nhu cầu cấp thiết trong công nghiệp. Ngoài việc nâng cao hiệu quả sản xuất, SXSH còn là giải pháp hữu hiệu trong việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động và đưa ngành công nghiệp phát triển bền vững.
Định hướng của ngành công nghiệp tỉnh nhà là khuyến khích các dự án SXSH trong công nghiệp theo tiêu chí “tăng trưởng xanh”. Do đó, để SXSH được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền về SXSH cho các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; chú trọng tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn cho DN, cơ sở trong việc áp dụng SXSH; kết nối mạng lưới, chia sẻ thông tin về SXSH cho DN, cơ sở để các đơn vị có thể lựa chọn được giải pháp phù hợp, an toàn hơn trong kinh doanh, giảm thiểu được những rủi ro và thiệt hại. Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất Chính phủ, UBND tỉnh tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN, cơ sở áp dụng SXSH; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về SXSH; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
MN