Nhiều doanh nghiệp đang “nóng lòng” chờ tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng

Cập nhật ngày: 27/04/2020 10:08:14

Tại TP.Hồ Chí Minh, có đến 90% doanh nghiệp (DN) du lịch phải ngưng hoạt động. Ở khu vực miền Tây, con số này cũng không thể ít hơn. Trên bình diện chung của cả nước, ngành du lịch hầu như bị tê liệt kể từ khi dịch nCoV bùng phát lan rộng toàn cầu. Đại dịch này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng không, xuất khẩu thủy sản, bất động sản và các ngành kinh doanh khác.


Rừng tràm đẹp nhất Việt Nam tạm ngừng nhận khách do nCoV

Đến nước này, lãnh đạo các DN than trời, nóng lòng, thậm chí muốn stress khi họ phải “rát cổ”, chạy mỏi cặp giò, rã cả tay để làm thủ tục nộp ngân hàng đề nghị được thực hiện giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi suất hoặc cho vay mới hay nới rộng “room” theo các gói ưu đãi (tổng cộng gần 300 nghìn tỷ đồng).

Dịch bệnh là bất khả kháng. Và, nó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền của hầu hết các DN. Lúc này “nhà băng” nên gấp rút cho vay hỗ trợ để giúp các DN đã có lịch sử giao dịch tốt, uy tín - lãnh đạo DN tại TP.Hồ Chí Minh thẳng thắn đề nghị. Chứ nếu, ngân hàng vịn vào cớ này nọ hay văn bản này kia thì “gói hỗ trợ” chỉ dừng ở ngõ truyền thông.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nCoV sẽ gây ra thảm cảnh ảm đạm hơn khi nền kinh tế bị gãy và nếu DN không được cứu kịp thời. Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có lẽ nên điều chỉnh Thông tư 01 với hai điểm cần lưu ý. Thứ nhất, là cho phép giãn nợ lâu hơn đối với các khách hàng vay trung và dài hạn để phù hợp hơn với khả năng phục hồi của dòng tiền của DN. Hai, là NHNN nên có hướng dẫn chi tiết hơn về ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng và tiêu chí, phân nhóm đối tượng hỗ trợ, có thể là theo mức giảm doanh thu... để các ngân hàng nhất quán thực hiện.

Đặc biệt, các ngân hàng thương mại cần giảm thiểu thủ tục không cần thiết và minh bạch, nhất quán quy trình thực hiện.

Bên cạnh đó, để có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng, NHNN có thể tăng cho vay tái cấp vốn với các ngân hàng, dù không nhiều, nhưng cũng hỗ trợ được ngân hàng thương mại phần nào trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, dòng vốn hỗ trợ này rất quan trọng để DN duy trì hoạt động. Đây là nhu cầu cần thiết nhất lúc này để DN thanh toán các khoản chi phí cố định như chi phí thuê mặt bằng, lương nhân công tối thiểu... Còn với DN sản xuất, nhu cầu vốn cần để thanh toán các nghĩa vụ tài chính và chuẩn bị nguyên liệu đầu vào chờ phục hồi sản xuất. Do đó, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ để tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”...

Mới đây, trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị sử dụng công cụ tái cấp vốn với tỷ lệ chiết khấu phù hợp để hỗ trợ ngân hàng có nguồn vốn giá rẻ cho vay đối với DN.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết, những ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm khoảng 40% lợi nhuận. Ví dụ, Vietcombank năm ngoái đạt khoảng 22.000 tỷ đồng tiền lãi thì năm nay phải giảm 30-40%, tức đóng góp ít nhất 8.000 tỷ đồng dành cho việc hạ lãi suất và xem xét cho vay mới theo gói tín dụng hỗ trợ.

Trà Sư

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn