Cộng đồng cần chung tay ứng phó với dịch tả heo Châu Phi và sâu keo mùa thu
Cập nhật ngày: 23/05/2019 19:25:25
ĐTO - Nhằm giúp các địa phương chủ động ứng phó với dịch tả heo châu Phi (DTHCP) và một số loại dịch hại nguy hiểm trên cây trồng, chiều ngày 23/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức buổi họp trực tuyến, tuyên truyền về dịch tả heo Châu Phi và sâu keo mùa thu. Lãnh đạo Sở NN&PTNT chủ trì hội nghị, tham dự có 143 điểm cầu là các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh buổi họp trực tuyến
Theo báo cáo mới nhất về diễn biến của DTHCP, hiện cả nước đã có 37 tỉnh, thành phố bị dịch tả heo Châu Phi. Các tỉnh khu vực phía Nam xuất hiện dịch là: Đồng Nai, Bình Phước và Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang. Trước tình hình 2 tỉnh giáp ranh với Đồng Tháp là Vĩnh Long và An Giang bị dịch tả heo Châu Phi, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương cần lập ngay các chốt kiểm dịch tạm thời để kiểm tra, kiểm soát toàn bộ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý. Thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn, vùng chăn nuôi tập trung, khu vực có nguy cơ cao, vùng biên giới, các điểm giết mổ, các cơ sở thu gom gia súc tập trung.
Đồng thời, Chi Cục Chăn nuôi Thú y khuyến cáo người chăn nuôi cần giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe của đàn vật nuôi, khi phát hiện dịch bệnh xảy ra phải khai báo với ban nhân dân khóm, ấp, UBND xã, phường, thị trấn hoặc thông qua đường dây nóng; thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm như: lở mồm long móng, dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng, tai xanh và cúm gia cầm…; nếu không chấp hành việc tiêm phòng và áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho vật nuôi theo quy định sẽ không được hưởng hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước khi có dịch bệnh xảy ra theo quy định.
Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương cần tăng cường phối hợp, kiểm tra tại các tuyến đường giao thông, để hạn chế tối đa việc vận chuyển heo bệnh và sản phẩm thịt heo mắc bệnh, không rõ nguồn gốc từ các tỉnh vùng dịch đưa về Đồng Tháp để tiêu thụ. Đồng thời cũng đề nghị người dân cần chung tay tham gia giám sát và thông tin kịp thời cho các cơ quan chức năng hoặc thông qua đường dây nóng các trường hợp nghi ngờ vận chuyển heo mang mầm bệnh, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đề nghị các địa phương lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin dịch bệnh của người dân trên địa bàn.
Tại buổi họp trực tuyến, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (TT&BVTV) cũng thông tin về tình hình dịch hại sâu keo mùa thu gây hại trên cây trồng. Theo Chi cục TT&BVTV sâu keo mùa thu có tên tiếng Anh là Fall Armyworm, tên khoa học là Spodoptera frugiperda, thuộc Bộ Lepidoptera, họ Noctuidae. Sâu có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ. Vào tháng 7 năm 2018, loài sâu này được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ. Chúng lây lan rất nhanh và gây hại nặng tại các vùng bị xâm nhiễm, loài sâu hại này đã xuất hiện tại Banglades, Srilanka, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc. Sâu keo mùa thu là loài đa thực, có thể gây hại trên 80 loại cây trồng, gây hại nặng trên nhóm cây họ hòa thảo như: bắp, lúa, kê và cây mía. Ngoài ra cũng đã phát hiện gây hại trên các loại rau, cây bông.
Để phòng chống sâu keo mùa thu gây hại trên cây trồng, Chi cục TT&BVTV cũng đề nghị nông dân cần thực hiện các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp gồm: kiểm tra kỹ đồng ruộng, làm sạch cỏ dại xung quanh ruộng để hạn chế nơi chú ẩn của sâu, làm đất, phơi khô ruộng để tiêu diệt ấu trùng, nhộng trong đất, theo dõi chặt chẽ các bẫy đèn, thu mẫu và gửi ngay đến cơ quan chuyên môn gần nhất để giám định và phối hợp thực hiện phòng trừ kịp thời, hiệu quả…
Mỹ Lý