Sản xuất nông nghiệp sạch là trách nhiệm của nông dân

Cập nhật ngày: 23/05/2019 14:11:28

ĐTO - Lâu nay, khi được vận động sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn VietGAP hay GlobalGAP, nhiều nông dân hiểu nhầm khái niệm sản xuất nông nghiệp sạch chỉ để bán giá cao hơn nông sản bình thường. Tuy nhiên, sản xuất sạch không đơn giản chỉ giúp nông sản được tiêu thụ thuận lợi hơn mà cách làm này còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự tử tế của người sản xuất đối với khách hàng của mình.


Sản xuất nông sản sạch là trách nhiệm của người nông dân

Sản xuất “thật thà” để níu chân người tiêu dùng

Cách đây 8 năm, nhiều nhà vườn ở huyện Lai Vung không dám nghĩ rằng cây mận sẽ được “phục hưng” trở lại và trở thành cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều gia đình làm giàu như hiện nay. Khoảng năm 2008, nhiều diện tích trồng mận ở huyện Lai Vung gần như bị xóa sổ khi dịch ruồi vàng đục trái tấn công. Ruồi vàng tấn công khiến cho trái mận bị dòi không ăn được, để bảo vệ thành quả lao động của mình, nông dân đã tăng cường phun xịt thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) gấp nhiều lần để tiêu diệt ruồi đục trái. Song, đây cũng là nguyên nhân chính khiến trong một khoảng thời gian dài người tiêu dùng có “ác cảm” với trái mận, vì cho rằng trái mận nguyên lành thì cũng đồng nghĩa với việc sản phẩm đã nhiều lần được “tắm” trong thuốc BVTV.

Để xây dựng lại niềm tin với người tiêu dùng, những năm gần đây, nhiều nhà vườn ở huyện Lai Vung bắt đầu sản xuất mận theo hướng VietGAP. Bên cạnh đó, giải pháp sử dụng mùng lưới trùm cả vườn mận là sáng kiến giúp nhà vườn Lai Vung đối phó với ruồi đục trái, giúp trái mận sạch hơn.

Ông Nguyễn Văn Nguyên - Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) mận an toàn xã Phong Hòa, huyện Lai Vung tâm sự: “Vài năm trở lại đây, với kỹ thuật cho cả vườn mận trùm mùng lưới, nhà vườn đã giải quyết dứt điểm dịch ruồi vàng tấn công trái mận. Nhờ cho mận trùm mùng nên hầu như nông dân không cần phải phun xịt thuốc nhiều lần như trước nữa. Bên cạnh đó, chúng tôi áp dụng sản xuất theo theo quy trình VietGAP nên trái mận cải thiện được chất lượng rất nhiều. Từ đó, không những giúp trái mận được người tiêu dùng ủng hộ trở lại mà doanh nghiệp (DN) lớn cũng bắt đầu quan tâm, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đây chính là động lực để nhà vườn nỗ lực có được sản phẩm nông sản chất lượng, đáp lại niềm tin của người tiêu dùng”.

Phải tự cứu lấy mình

Những ngày gần đây, nhiều nhà vườn trồng xoài ở tỉnh Đồng Tháp đang “đứng ngồi không yên” khi giá xoài rớt thảm, xoài chín đầy vườn nhưng thương lái chậm đến thu mua. Xoài cát chu loại I được thương lái thu mua từ khoảng 6.500 - 8.000 ngàn đồng/kg. Nhiều nhà vườn cho biết, nếu là vườn nhà thì coi như mùa xoài này huề vốn, còn với những hộ thuê vườn để kiếm lời thì năm nay lỗ nặng, vì chi phí đầu tư cao nhưng giá xoài quá thấp.

Tuy nhiên cùng thời điểm này, một câu chuyện rất khác về trái xoài đang diễn ra tại THT dịch vụ sản xuất xoài Bà Két, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh. Cũng là xoài cát chu nhưng toàn bộ sản lượng xoài tại THT này đều được Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên, TP.Cần Thơ bao tiêu với mức giá khá cao, xoài cát chu loại I giá 23.000 đồng/kg, loại II giá 18.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với xoài cùng loại ngoài thị trường. Mặc dù tổng sản lượng xoài của THT trong vụ mùa này khá lớn song vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của DN thu mua.

Ông Nguyễn Phú Hiệp - Tổ trưởng THT dịch vụ sản xuất xoài Bà Két bày tỏ: “Hiện công ty đang đặt hàng thêm 3 tấn xoài cát chu loại I nhưng vì hiện nay xoài trong THT đã dứt lứa, chỉ còn lại xoài loại II. Không có hàng cung cấp thì tôi từ chối chứ không bao giờ gom hàng bên ngoài để bán cho DN, bởi đây là uy tín THT phải gầy dựng từ rất lâu mới có được, không thể chỉ vì lợi ích nhỏ trước mắt mà đánh mất thương hiệu của chính mình”.


Người tiêu dùng bắt đầu có nhiều thiện cảm với trái mận sạch ở Lai Vung

Để có mức giá khác biệt so với những vườn xoài lân cận, nhiều năm qua, THT dịch vụ sản xuất xoài Bà Két của đã tự chuyển đổi sang sản xuất xoài theo hướng hữu cơ. Ngoài việc không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng các nhóm thuốc kích thích tăng trưởng, xoài tại THT này còn sản xuất theo một quy trình bài bản, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu mà DN thu mua đưa ra.

Tương tự như nông dân của THT dịch vụ sản xuất xoài Bà Két, hiện tại nhiều diện tích xoài tại Hợp tác xã (HTX) xoài Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh cũng chuyển sang sản xuất theo hướng an toàn. Chính nhờ vậy nên một phần sản lượng xoài của HTX này được DN thu mua với mức giá ổn định. Cao điểm giai đoạn rớt giá, xoài cát chu loại I ngoài thị trường chỉ còn 6 ngàn đồng/kg nhưng HTX Tân Thuận Tây vẫn thu mua cho xã viên mức 8.500 đồng/kg. Mặc dù không chênh lệch nhiều so với thị trường nhưng với mức giá cao hơn 2.500 đồng/kg đã góp phần giúp nhiều nhà vườn tại đây giảm bớt khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Chì - Giám đốc HTX xoài Tân Thuận Tây, xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh chia sẻ: “Trong thời điểm dội hàng như những ngày gần đây thì xoài sạch được sản xuất theo quy trình an toàn vẫn là sản phẩm được ưu tiên nhiều hơn. Sản xuất sạch chính là giải pháp nâng vị thế nông sản lên cao hơn và cũng là nền tảng để khẳng định uy tín nông sản của mình trên thị trường. Hiện nay và trong tương lai gần, nếu không sản xuất sạch thì thị trường nội địa cũng sẽ rất khó bán chứ đừng nghĩ đến chuyện xa hơn là xuất khẩu”.

Nhà vườn Nguyễn Phú Hiệp, nhà vườn Nguyễn Văn Nguyên và nhiều nông dân khác trên khắp tỉnh Đồng Tháp đang bắt đầu ý thức rõ về câu chuyện vì sao phải sản xuất nông sản sạch. Bởi chỉ có cách sản xuất sạch, thật thà thì người nông dân mới có thể thay đổi giá trị cho nông sản mình làm ra, củng cố lại niềm tin của người tiêu dùng, DN. Bởi trước khi để cộng đồng phải giải cứu bất kỳ loại nông sản nào thì người nông dân cần làm hết trách nhiệm và vai trò của mình. Tin chắc với xu hướng tiêu dùng đang thay đổi của cộng đồng thì nông sản sạch sẽ ngày càng có chỗ đứng vững chắc hơn trong lòng người tiêu dùng.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn